Quy định về xử lý công trình vị phạm trật tự đô thị

24/12/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 07/12/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Theo đó, việc xử lý công trình vi phạm trật tự đô thị phải bảo đảm những quy định sau:

1. Nguyên tắc và biện pháp xử lý

1.1. Nguyên tắc xử lý vi phạm

Việc x lý các công trình vi phạm trật t đô thị phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

a. Công trình xây dựng, bộ phận công trình (sau đây gọi tắt là CTXD) vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để.

b. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng ở công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị và tổ chức, cá nhân được phân công trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm phải bị xử lý theo những quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan.

1.2. Biện pháp xử lý vi phạm

Hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các biện pháp sau đây:

a. Ngừng thi công xây dựng công trình.

b. Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với CTXD vi phạm.

c. Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.

d. Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

e. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị, ngoài việc bị áp dụng các biện pháp xử lý trên còn bị nêu tên trên website của Bộ Xây dựng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Xử lý vi phạm trong một số trường hợp cụ thể

2.1. Xử lý CTXD không có Giấy phép xây dựng

a. Những CTXD theo quy định phải có Giấy phép xây dựng (GPXD), khi xây dựng không có GPXD phải bị xử lý như sau:

- Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ CTXD vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ CTXD vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng.

- Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

b. Đối với những CTXD không có GPXD nhưng đủ điều kiện để cấp GPXD theo quy định thì xử lý như sau:

- Những CTXD phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp GPXD gồm: CTXD phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; CTXD trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp GPXD, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ.

- Sau khi được cấp GPXD, nếu công trình đã xây dựng sai nội dung GPXD thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai nội dung GPXD. Sau khi tự phá dỡ công trình sai nội dung GPXD, chủ đầu tư mới được tiếp tục thi công xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần sai nội dung GPXD được cấp thì phải bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Trường hợp chủ đầu tư bị từ chối cấp GPXD hoặc không có GPXD sau thời hạn 60 ngày thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

2.2. Xử lý CTXD sai nội dung GPXD

CTXD sai nội dung GPXD được cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị xử lý như sau:

- Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung GPXD. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định.

Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần công trình sai nội dung GPXD được cấp phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Tùy mức độ vi phạm, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

2.3. Xử lý CTXD sai thiết kế, sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền thẩm định hoặc phê duyệt đối với những trường hợp được miễn cấp GPXD

CTXD vi phạm trật tự xây dựng đô thị sau đây phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ:

- CTXD thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sai thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;

- CTXD thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu nhà ở sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt.

Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng công trình thì bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc tự phá dỡ công trình vi phạm đồng thời áp dụng áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm, công trình phải bị cưỡng chế phá dỡ. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

2.4. Xử lý CTXD ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư

a. Trường hợp CTXD gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án.

Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

b. Trường hợp CTXD gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.

c. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại điểm a, điểm b (nêu trên) phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp x lý theo quy định cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Chí Linh

Xem thêm »