Nghị định số 36/2021/NĐ-CP: Quy định đầu tư vốn ra ngoài Cty mẹ-Tập đoàn Dầu khí VN

30/03/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2021/NĐ-CP Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó quy định cụ thể việc đầu tư, chuyển nhượng vốn ra ngoài Công ty mẹ.

Cụ thể, về nguyên tắc đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ, Nghị định nêu rõ công ty mẹ được phép sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của Công ty mẹ để đầu tư ra ngoài theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc đầu tư ra ngoài của Công ty mẹ phải tuân theo quy định của pháp luật, Điều lệ của Công ty mẹ được Chính phủ phê duyệt; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Công ty mẹ và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

Công ty mẹ không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với khoản vốn đã góp, đầu tư tại các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, Công ty mẹ có trách nhiệm lập phương án cơ cấu lại, thoái toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Công ty mẹ không được góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Công ty mẹ.

Công ty mẹ không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh trừ các Hợp đồng tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.

Trường hợp dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp có giá trị lớn hơn mức quy định đối với Hội đồng thành viên, dự án góp vốn liên doanh của doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, dự án đầu tư vào doanh nghiệp khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Hội đồng thành viên Công ty mẹ báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt chủ trương trước khi quyết định.

Trường hợp Công ty mẹ có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không đúng đối tượng nhưng không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định nêu trên, Cơ quan đại diện chủ sở hữu chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên Công ty mẹ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ

Việc chuyển nhượng các khoản đầu tư vốn ra ngoài Công ty mẹ (bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định hiện hành của pháp luật và đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Phản ánh đầy đủ giá trị thực tế doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.

- Việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Công ty mẹ trước khi tổ chức bán đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn Công ty mẹ tại doanh nghiệp bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất giao hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và giá trị các quyền sở hữu trí tuệ (nếu có) của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Đối với việc sử dụng vốn, tài sản của Công ty mẹ để đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định khác của pháp luật có liên quan về đầu tư ra nước ngoài.

Xem thêm »