Dự thảo 8 Luật Bồi thường nhà nước: Phải có văn bản xác định tính bất hợp pháp của hành vi do công chức thực hiện

05/05/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

So với các Dự thảo trước, Dự thảo 8 Luật Bồi thường nhà nước đã có một số thay đổi đáng kể như quy định về điều kiện để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu nhà nước bồi thường, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động mà nhà nước phải bồi thường, cơ quan giải quyết bồi thường phải gửi hồ sơ xin ý kiến của một số cơ quan nhà nước có liên quan - trong đó bắt buộc phải có cơ quan tư pháp - trước khi ra quyết định bồi thường… Theo Tổ trưởng Tổ Biên tập Dương Đăng Huệ, các thay đổi trên tiếp tục bổ sung những điểm mới của Dự án Luật so với pháp luật hiện hành lên con số 13.

Dự thảo 8 thiết lập một nguyên tắc là trước khi yêu cầu nhà nước bồi thường, người bị thiệt hại phải thực hiện các thủ tục pháp lý như khiếu nại, khiếu kiện hành chính để có được một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó khẳng định về tính bất hợp pháp của hành vi do công chức đã thực hiện. Còn theo pháp luật hiện hành, bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay cơ quan quản lý trực tiếp công chức đòi bồi thường, không cần điều kiện tiên quyết vừa nêu. Nếu bên bị thiệt hại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không thoả đáng thì có quyền khởi kiện ra toà án để yêu cầu bồi thường. Ông Huệ lý giải, trách nhiệm bồi thường nhà nước là loại trách nhiệm dân sự song lại không phải dân sự thuần tuý, trách nhiệm phát sinh bởi hành vi trái pháp luật của công chức nên hành vi phải được cơ quan nhà nước xác định và việc quy định điều kiện này nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa Dự án Luật với các đạo luật khác, đặc biệt là Luật Khiếu nại và Tố cáo.

Cũng tại Dự thảo 8, các hoạt động mà nhà nước phải bồi thường đã được xác định rõ, bao gồm quản lý hành chính, thi hành án, tố tụng (dân sự, hành chính, hình sự)… Có thể nói, đây là quy định rất cụ thể của Dự thảo 8, khi mà phần lớn các Dự thảo trước thường nêu chung chung nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực hành pháp và tư pháp. Với quy định này, trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng được mở rộng về phạm vi, không chỉ vì oan mà còn vì sai, không chỉ sai trong tố tụng hình sự mà còn sai trong cả tố tụng dân sự, hành chính. Tổ biên tập mong muốn, việc mở rộng phạm vi sẽ thúc đẩy đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong năng lực, trình độ.

Trong cuộc họp cuối tuần qua, một số thành viên Ban Soạn thảo cho rằng, có những quy định của Dự thảo 8 chưa thuận lợi cho dân, chưa nhất quán về mặt nguyên tắc. Theo đại diện Bộ Tài chính, việc đặt điều kiện cho bên bị thiệt hại tuy đúng với quy trình khiếu nại hành chính nhưng lại chặt hơn một số quy định hiện hành nên thời gian giải quyết có thể bị kéo dài. Đề nghị cân nhắc bồi thường những trường hợp sai trong tố tụng, đại diện VKSNDTC lưu ý, tính riêng trong ngành CA, việc bồi thường theo Nghị định số 47 (hành chính) đã nhiều hơn theo Nghị quyết số 388 (hình sự). Ngoài ra, Dự thảo 8 còn đưa ra hơn 1 nguyên tắc bồi thường, trong hình sự thì không sai cũng bồi thường, còn trong những lĩnh vực khác lại phải có hành vi trái pháp luật.

Hoàng Thư

Xem thêm »