Các trường hợp tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh

06/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo Điểm c Khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thông tư nêu rõ, khi áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 và Điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, phải bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; bảo đảm thận trọng khi quyết định áp dụng đối với từng vụ việc, vụ án cụ thể, nghiêm cấm việc lạm dụng; kiểm soát tội phạm, không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc, vụ án khi được phục hồi.

Tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 hoặc Điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự khi có đủ các căn cứ sau:

a- Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố do thuộc một trong các trường hợp quy định;

b- Đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố.

Các trường hợp bất khả kháng do thiên tai: a- Người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang ở vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai; b- Địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai hoặc vùng có tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được tạm đình chỉ giải quyết vụ việc, vụ án vì lý do bất khả kháng do dịch bệnh quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 148, Điểm d Khoản 1 Điều 229 hoặc Điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự khi có đủ các căn cứ sau:

a- Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật mà không thể tiến hành được một hoặc một số hoạt động tố tụng để kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; kết thúc điều tra hoặc quyết định việc truy tố do thuộc một trong các trường hợp quy định;

b- Đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn điều tra hoặc thời hạn quyết định việc truy tố.

Các trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh: a- Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; b- Người tham gia tố tụng đang bị cách ly y tế theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền do bị mắc bệnh dịch thuộc nhóm A hoặc do thuộc trường hợp khác liên quan đến bệnh dịch thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; c- Người tham gia tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc địa điểm cần tiến hành các hoạt động tố tụng trong vùng được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.

Xem thêm »