Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, nâng cao kiến thức về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt giai đoạn 2021 - 2025

08/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 05/8/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 941/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025.

Với mục tiêu xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền và bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, TTKB/TTPBVKHDHL, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng xác định 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; (ii) Nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro rửa tiền, TTKB/TTPBVKHDHL và hợp tác trong nước; (iii) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ các quy định pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL, hướng đến áp dụng cách tiếp cận trên cơ sở rủi ro; (iv) Tiếp tục tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử và tịch thu, thu hồi tài sản, đặc biệt đối với các tội phạm nguồn được xác định có rủi ro cao về rửa tiền TTKB/TTPBVKHDHL; (v) Nâng cao hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL; (vi) Nâng cao hiệu quả trong hợp tác quốc tế, chia sẻ, trao đổi thông tin trong công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL và (vii) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết của các cơ quan quản lý và các đối tượng báo cáo trong nền kinh tế về công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL.
Theo đó, trong thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết của các cơ quan quản lý và các đối tượng báo cáo trong nền kinh tế về công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL cần được đẩy mạnh theo hướng tiếp tục mở rộng các chương trình đào tạo, tập huấn, chuẩn hóa tài liệu phổ biến, hướng dẫn cho các cơ quan quản lý và các đối tượng báo cáo trong từng lĩnh vực để tạo ra sự chuyển biến trên diện rộng và làm cơ sở cho việc triển khai công tác này một cách có hiệu quả.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần thực hiện công khai, cập nhật, bổ sung thông tin về việc thành lập pháp nhân phi thương mại (hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ); đăng tải các tài liệu, báo cáo về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL theo quy định của pháp luật trên website của các bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành thực hiện một số hành động cụ thể:
- Giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp theo chức năng quản lý nhà nước của mình chủ trì tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL, đặc biệt là các lĩnh vực có rủi ro cao về rửa tiền;
- Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm cơ quan đầu mối tổ chức tuyên truyền, đào tạo cho các cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo và các đối tượng khác về quy định của pháp luật, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền; thực hiện đăng tải công khai các tài liệu, báo cáo về phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật trên website của mình và các bộ, ngành có liên quan
- Giao Bộ Công an làm cơ quan đầu mối tổ chức tuyên truyền, đào tạo cho các cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo và các đối tượng khác về quy định của pháp luật, chuẩn mực quốc tế về tài trợ khủng bố; thực hiện đăng tải công khai các tài liệu, báo cáo về phòng chống tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật trên website của mình và các bộ, ngành có liên quan;
- Giao Bộ Quốc phòng làm cơ quan đầu mối tổ chức tuyên truyền, đào tạo cho các cơ quan có thẩm quyền, đối tượng báo cáo và các đối tượng khác về quy định của pháp luật, chuẩn mực quốc tế về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; thực hiện đăng tải công khai các tài liệu, báo cáo về phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo quy định của pháp luật trên website của mình và các bộ, ngành có liên quan;
- Giao Bộ Nội vụ thực hiện công khai, cập nhật, bổ sung thông tin về việc thành lập pháp nhân phi thương mại (hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và tổ chức phi chính phủ). Nhiệm vụ hoàn thành trong tháng 3/2023;
- Giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp tuyên truyền và phổ biến pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL theo phạm vi quản lý nhà nước và chức năng nhiệm vụ được giao.
Các bộ, ngành có liên quan chủ động lập dự toán chi phí thực hiện các công việc được giao và đưa vào dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của đơn vị.
Lưu Công Thành
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

Xem thêm »