Bộ Thông tin và Truyền thông: Ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông

03/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 26/8/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư 13/2022/TT-BTTTT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông được xây dựng nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; ý kiến của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, các Thông tư nêu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông. Ngoài ra, Thông tư này áp dụng đối với viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông tại các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Thông tư quy định việc xếp lương các chức danh nghề nghiệp thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 16 Thông tư 13/2022/TT-BTTTT, cụ thể như sau:
- Việc xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông quy định tại Thông tư 13/2022/TT-BTTTT phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.
- Không được kết hợp nâng bậc lương khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông tương ứng.
Cách xếp lương: Theo Khoản 1 Điều 17 Thông tư 13/2022/TT-BTTTT, các chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông quy định tại Thông tư 13/2022/TT-BTTTT được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, như sau:
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I, biên dịch viên hạng I, đạo diễn truyền hình hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II, biên dịch viên hạng II, đạo diễn truyền hình hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;
- Chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III, biên dịch viên hạng III, đạo diễn truyền hình hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Hiện nay, mức lương cơ sở là căn cứ tính lương cho viên chức ngành thông tin và truyền thông áp dụng theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ. Cụ thể, mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng.
3. Một số quy định mới của Thông tư so với Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016 như sau:
- Thống nhất quy định trình độ ngoại ngữ, tin học trong phần về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của tất cả các hạng chức danh nghề nghiệp và không quy định trình độ cụ thể cho từng hạng chức danh, việc xác định trình độ cụ thể sẽ theo yêu cầu của từng vị trí việc làm để đảm bảo sự phù hợp chung.
- Thống nhất quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo chuyên ngành (không phân biệt các hạng như trước đây).
- Mỗi chuyên ngành có một chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh theo quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
- Bổ sung thêm quy định về yêu cầu đối với viên chức dự thi thăng hạng: bao gồm yêu cầu về đề tài, đề án, công trình, giải thưởng và thời gian giữ chức danh nghề nghiệp cho phù hợp.
- Bổ sung thêm quy định về mã số chức danh nghề nghiệp vì theo quy định hiện hành, Bộ quản lý ngành sẽ quy định mã số chức danh nghề nghiệp (không phải Bộ Nội vụ như trước đây). Do chức danh nghề nghiệp viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình không có sự thay đổi về tên cũng như số lượng chức danh, hạng chức danh nên mã số được giữ nguyên như quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNV ngày 09/5/20218.

Thông tư 13/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ 10/10/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 07/4/2016.
Đỗ Thị Nhẫn
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »