Bổ sung 02 Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4

26/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 24/9/2022, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 28/2022/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021, tại kỳ họp thứ 4 sẽ có 04 dự án luật trình Quốc hội thông qua, bao gồm Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; có 02 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, đó là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi).  Chương trình này đã được điều chỉnh tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV thông qua ngày 13/6/2022 tại kỳ họp thứ 3, trong đó đổi tên Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp; bổ sung các dự án sau đây vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
 Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Nghị quyết số 28/2022/UBTVQH15 đã bổ sung 02 Nghị quyết của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4. Đó là Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.
Theo Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá, hiện nay giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, việc quản lý biển số trúng đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số chưa được quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và  Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, dự thảo Nghị quyết tập trung quy định các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô; giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất; sử dụng nguồn thu từ đấu giá. Việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số xe ô tô, tạo bình đẳng, công khai, minh bạch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đánh giá một số hạn chế, yếu kém của thành phố Buôn Ma Thuột như phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên…, Kết luận số 67-KL/TW đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhằm xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở phát huy và khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Lào – Việt Nam – Camphuchia... Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước. Dự thảo Nghị quyết đề xuất thí điểm 05 chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Mê Thuột, bao gồm chính sách về mức dư nợ vay, về định mức phân bổ chi thường xuyên; về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột; chính sách về quản lý quy hoạch và chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt./.
Nguyễn Thị Thạo
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »