Ngày 12/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Thông tư số 53/2022/TT-BTC).
1. Về phạm vi điều chỉnh
Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đối với các khoản tài trợ, viện trợ thuộc ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về nội dung, mức chi thì áp dụng theo nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này. Đối với các nội dung thuộc Chương trình có lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác được áp dụng quy định tại Thông tư này theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này). Các địa phương chủ động bố trí kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương để cùng với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các nội dung thành phần, nội dung của Chương trình trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg , Điều 7 và Điều 8 Mục 2 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Chương trình).
3. Về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo Quyết định số 263/QĐ-TTg và không áp dụng đối với các khoản tài trợ, viện trợ thuộc ngân sách Nhà nước đã có hướng dẫn riêng của cấp có thẩm quyền về chế độ chi tiêu tài chính.
Ngoài ra, kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung của Chương trình phải hướng tới đạt mục tiêu thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 – 2025 ban hành tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 318/QĐ-TTg, số 319/QĐ-TTg, số 320/QĐ-TTg, số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các nội dung Chương trình phải công khai, minh bạch; không sử dụng kinh phí của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nội dung, nhiệm vụ bố trí kinh phí từ các Chương trình, dự án khác.
4. Nội dung chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới
Theo đó, nội dung chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như sau:
- Chi đào tạo, tập huấn, bồi dương nâng cao năng lực;
- Chi thông tin, tuyên truyền; phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Chi xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn; sổ tay nghiệp vụ và các loại sổ, sách khác phục vụ hoạt động của các nội dung, nội dung thành phần;
- Chi ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn các nội dung thuộc Chương trình;
- Chi dịch, hiệu đính tài liệu phục vụ hoạt động chuyên môn của từng nội dung;
- Chi thuê chuyên gia trong nước và tổ chức tư vấn độc lập phục vụ hoạt động chuyên môn của từng nội dung, nội dung thành phần;
- Chi điều tra, khảo sát, đánh giá, thống kê nội dung chuyên môn của từng nội dung, nội dung thành phần;
- Chi tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước; sơ kết, tổng kết, hội thảo, các hoạt động mang tính chất nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chuyên môn của từng nội dung, nội dung thành phần;
- Chi vận chuyển thuốc, hàng hóa, trang thiết bị, vật tư, gửi thông báo kết quả phục vụ hoạt động chuyên môn của từng nội dung, nội dung thành phần;
- Chi thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng dân tộc hoặc ngôn ngữ ký hiệu;...
Ngoài ra, Thông tư quy định các nội dung đặc thù, như: Chi công tác quy hoạch, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, bảm đảm bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, chi hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn … và các nội dung chi khác.
Thông tư số 53/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022./.
Trần Văn Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật