Trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

13/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn là một trong 20 chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Chỉ tiêu số 4 Tiêu chí 4) theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Khi đánh giá, chấm điểm chỉ tiêu này, cần phải nắm rõ các quy định về nội dung, hình thức Nhân dân tham gia ý kiến và trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến.

Từ ngày 01/7/2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành thì việc tổ chức Nhân dân tham gia ý kiến sẽ được thực hiện theo quy định của này. Cụ thể như sau:
* Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến: Điều 25 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định ,bao gồm: 
1. Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã; ph­ương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của cấp xã.
2. Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
3. Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.
4. Dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, ghép cụm dân cư.
5. Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.
6. Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
7. Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).
8. Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
9. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật, quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần lấy ý kiến.
So với quy định tại Pháp lệnh thực hiện xã, phường, thị trấn năm 2007, Luật bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành.
* Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến: Điều 26 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã mở rộng các hình thức Nhân dân tham gia ý kiến, cụ thể như sau:
- Các hình thức được kế thừa từ Điều 20 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007: Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư, Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình, Thông qua hòm thư­ góp ý.
- Các hình thức được bổ sung: Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua đường dây nóng (nếu có); Thông qua Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở; Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố và tổ chức đối thoại, lấy ý kiến công dân là đối tượng thi hành của dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
Tùy theo nội dung, tính chất, yêu cầu của việc lấy ý kiến Nhân dân, khả năng, điều kiện đáp ứng thực tế của địa phương và phù hợp với quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định lựa chọn một hoặc một số hình thức nêu trên để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Trường hợp pháp luật có quy định về việc áp dụng hình thức, cách thức tổ chức cụ thể để lấy ý kiến của Nhân dân về nội dung nhất định thì việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của Nhân dân thực hiện theo quy định.
* Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến:
 Ủy ban nhân dân cấp xã có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung Nhân dân tham gia ý kiến thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã, trong đó xác định rõ nội dung lấy ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức, thời hạn triển khai và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được gửi đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Trường hợp tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến theo các nội dung được giao trong kế hoạch lấy ý kiến của cơ quan chịu trách nhiệm lấy ý kiến.
Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thông qua. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân ít nhất là 20 ngày kể từ ngày công khai nội dung lấy ý kiến. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể thời hạn lấy ý kiến Nhân dân thì thực hiện theo quy định đó.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, thông tin phản hồi của Nhân dân; nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của Nhân dân về các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã để quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và thực hiện việc công khai kết quả tổng hợp ý kiến của Nhân dân, nội dung giải trình, tiếp thu đến Nhân dân.
Đối với những nội dung do cơ quan có thẩm quyền giao cho chính quyền địa phương cấp xã đưa ra lấy ý kiến Nhân dân thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn. Cơ quan có thẩm quyền quyết định có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân về những nội dung đã đưa ra lấy ý kiến; trường hợp quyết định có nội dung khác với ý kiến của đa số Nhân dân thì phải giải trình, nêu rõ lý do của việc không tiếp thu và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân phải được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện việc công khai thông tin đến Nhân dân.
Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và kết quả thực hiện tại kỳ họp thường lệ gần nhất, đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để giám sát.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn; trực tiếp hướng dẫn, thực hiện việc tổ chức lấy kiến Nhân dân đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thực hiện giám sát việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn; việc tổ chức đối thoại, lấy ý kiến trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành và quá trình, kết quả giải trình, tiếp thu và tổ chức thực hiện các nội dung Nhân dân tham gia ý kiến./.
Nguyễn Thị Tâm
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »