Theo Thông tư số 04/2008/TT-BXD Bộ Xây dựng vừa ban hành, Nhà nước không cho phép kinh doanh buôn bán trước mặt tiền các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở; Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa do UBND tỉnh quyết định và phải bảo đảm chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5 m.
Nguyên tắc chung của công tác quản lý đường đô thị là bảo đảm hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ. Đồng thời, khi sử dụng hoặc tạm thời sử dụng một phần đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Tất cả các hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ, gây mất mỹ quan đô thị đều bị cấm, như tự ý xây dựng, đào bới đường đô thị; tự ý mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính; sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh; đổ rác, phế thải; lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường; trông, giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường không có giấy phép; ...
Việc đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cấp ga, cấp điện... theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh đào lên, lấp xuống nhiều lần.
Sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe phải đảm bảo các yêu cầu sau: Đối với đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu là 10,5 m thì cho phép để xe 1 bên, tối thiểu là 14 m thì cho phép để xe 2 bên; đối với đường 1 chiều, lòng đường tối thiểu là 7,5 m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy. UBND theo phân cấp có trách nhiệm quy định rõ danh mục tuyến phố được phép để xe.
Khi thiết kế, xây dựng cải tạo hoặc xây dựng mới đường đô thị phải bảo đảm cao độ theo quy hoạch, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước, của dân cư và của các công trình xây dựng 2 bên đường đô thị. Hạn chế bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến vào phần xe chạy. Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, thoát nước và hệ thống tuynen, hào kỹ thuật bắt buộc phải được xây dựng cùng với đường đô thị./.
Theo website Chính phủ