Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 1/2023/TT-BNV sửa đổi khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 02/2020/TT-BNV ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Cụ thể, theo quy định cũ tại Thông tư số 02/2020/TT-BNV, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:
(1) Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức); hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập); chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức); chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
(2) Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
(3) Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại Thông tư số 1/2023/TT-BNV, quy định này được sửa thành: Hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:
(1) Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức); căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập); chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức); chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
(2) Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
(3) Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 4 năm 2023.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.