Đột phá trong Dự thảo nghị định hướng dẫn luật đầu tư: Phân cấp mạnh cho địa phương

11/09/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nếu không có gì thay đổi, trong tháng này nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư sẽ được ban hành. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Mạnh Dũng (ảnh) - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH-ĐT - khẳng định: có “đột phá” trong lần dự thảo cuối cùng này. Ông Dũng cho biết tiếp:

- Bản dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, trước khi hoàn tất lần cuối cùng đã được Bộ KH-ĐT lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dự thảo này cũng được đưa ra trong phiên đàm phán đa phương về gia nhập WTO của VN vào tháng 7-2006, nhằm rà soát những điểm chưa phù hợp với qui định chung của WTO.

Khi trình Chính phủ, đích thân Thủ tướng cùng các bộ, ngành xem xét với cách làm rất mới là rà soát từng điều khoản, đi vào những vấn đề còn vướng mắc để chỉnh sửa trên cơ sở dựa vào các cam kết quốc tế, tính minh bạch và đảm bảo thủ tục phải đơn giản, rõ ràng.

Nhìn chung, bản dự thảo cuối cùng đã thể hiện được tính đột phá trong cải cách về thủ tục đầu tư. Cụ thể là phân cấp triệt để cho UBND cấp tỉnh, thành phố cũng như ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), đăng ký đầu tư cho tất cả các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Đây là một điểm rất mới so với hệ thống luật cũ.

* Điều này có nghĩa các địa phương có thể cấp GCNĐT đối với những dự án có qui mô vốn lên đến hàng tỉ USD hoặc những dự án thuộc lĩnh vực nhóm A (giáo dục, y tế...)?

- Theo phân cấp mới sắp tới sẽ có hai loại dự án, trong đó sẽ có những dự án do Thủ tướng chấp thuận cấp GCNĐT sau đó chuyển về cho địa phương cấp, và loại dự án thứ hai là do địa phương (UBND cấp tỉnh hoặc ban quản lý KCN và KCX) tiếp nhận và quyết định cấp GCNĐT.

Cũng có một loại thứ ba là một số loại hình đầu tư đã có qui định do các bộ chuyên ngành cấp GCNĐT như: kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng, hoạt động hành nghề luật sư... Với những dự án phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng chỉ giới hạn một số lĩnh vực như: xây dựng cảng hàng không, vận tải hàng không, xây dựng kinh doanh cảng biển quốc gia, thăm dò và khai thác khoáng sản, phát thanh, truyền hình, đầu tư kinh doanh casino...

Tuy nhiên, những dự án này nếu đã nằm trong qui hoạch được Thủ tướng phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt thì không phải trình Thủ tướng nữa. Chẳng hạn đối với dự án đầu tư vào casino, hiện chưa có qui hoạch nên phải trình lên Thủ tướng, sau này nếu đã có qui hoạch thì các địa phương sẽ cấp GCNĐT và chịu trách nhiệm về việc đó. Bên cạnh đó, cơ chế mới cũng nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra giám sát.

* Khi phân cấp, ban soạn thảo có tính đến năng lực thẩm định những dự án có qui mô lớn hay của các địa phương?

- Thời gian qua, các địa phương cũng đã được tập dượt, do vậy việc phân cấp là hợp lý và phù hợp tiến trình hội nhập. Chúng ta cũng cần thay đổi lại quan niệm “thoáng” trong việc thẩm định cấp giấy phép đầu tư vì nghị định này đối tượng điều chỉnh chủ yếu là nguồn vốn tư nhân, không thể thẩm định như các dự án có vốn nhà nước.

Công tác thẩm định chỉ tập trung vào các yếu tố như phù hợp qui hoạch về tài nguyên, đất đai... Mặt khác, các địa phương là nơi nắm rõ các nguồn lực đầu tư: đất đai, lao động, bảo vệ môi trường... và chỉ có các địa phương mới giám sát một cách chính xác nhất các nguồn lực này.

* Sau phân cấp, vai trò của Bộ KH-ĐT và các cơ quan chuyên ngành khác trong việc quản lý về đầu tư sẽ thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Xu hướng sắp tới sẽ xóa bỏ kiểu quản lý theo bộ chủ quản như hiện nay. Các bộ sẽ phải bỏ thói quen quản lý doanh nghiệp và trở thành cơ quan quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách. Bộ KH-ĐT, thay vì dành thời gian cho việc thẩm định cấp phép, thì tập trung cho công tác xúc tiến đầu tư, hướng đến phát triển vùng, ngành, cân đối các nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển...

Trong dự thảo của nghị định có xây dựng hẳn một chương riêng về quản lý nhà nước về đầu tư đối với từng bộ, ngành. Các bộ, ngành này có trách nhiệm giúp Chính phủ và các địa phương trong việc thẩm định các dự án khi rơi vào các lĩnh vực chưa có qui hoạch hoặc những vấn đề cam kết quốc tế mà chúng ta chưa rõ ràng. Dự thảo cũng có qui định rất rõ nếu quá thời hạn mà không trả lời thì xem như cơ quan đó chấp thuận và chịu trách nhiệm. 

 XUÂN TOÀN

Điểm mới về thủ tục đầu tư trong dự thảo lần này là đối với các dự án đầu tư trong nước có vốn đầu tư dưới 300 tỉ đồng, nhà đầu tư chỉ làm thủ tục đăng ký đầu tư, kể cả những dự án đầu tư có điều kiện.

Theo qui định trước đây, nhà đầu tư trong nước muốn thực hiện dự án đầu tư phải thành lập doanh nghiệp, còn theo dự thảo nghị định thì nhà đầu tư nếu chưa thành lập doanh nghiệp có thể lựa chọn việc đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh cùng thời điểm.

Khi đó trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nội dung đăng ký kinh doanh. Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ chuyển giấy chứng nhận này cho cơ quan đăng ký kinh doanh và xem như đó là bản đăng ký kinh doanh chính thức.

 

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm »