Ngày 26-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (liên quan đến đình công và giải quyết đình công); Luật bình đẳng giới và Luật tương trợ tư pháp.
Khi nào thì được phép đình công?
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động, nhiều ý kiến cho rằng quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam mới hình thành, việc thực thi pháp luật lao động của cả người sử dụng lao động và người lao động đều chưa nghiêm, hiệu lực quản lý nhà nước về lao động, hoạt động công đoàn còn rất hạn chế. Vì vậy, việc chỉ cho phép đình công khi có tranh chấp về lợi ích mà đã thương lượng giải quyết không thành chưa đáp ứng với tình hình thực tiễn của Việt Nam. Để vừa bảo đảm môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm được quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, dự thảo luật nên quy định theo hướng vẫn phân định thành hai loại tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Nhưng trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyền mà đã qua các bước giải quyết, đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhưng người sử dụng lao động không chấp hành thì tập thể người lao động có quyền chọn một trong hai hướng: yêu cầu kiện ra tòa án nhân dân giải quyết hoặc tổ chức đình công.
Tiếp tục xem xét vấn đề tuổi nghỉ hưu
Về Dự án Luật bình đẳng giới, nhiều đại biểu nhất trí vấn đề tuổi nghỉ hưu còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần được tiếp tục khảo sát thêm thực tiễn, lấy ý kiến của các đối tượng, tiến hành tổng kết, làm cơ sở sửa đổi cơ bản các pháp luật chuyên ngành có liên quan. Do vậy, Luật này không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nữa mà sẽ để quy định trong Bộ luật lao động, pháp luật về cán bộ, công chức và Luật Bảo hiểm xã hội cho thống nhất. Năm 2007 là năm có bầu cử Quốc hội, việc Luật Bình đẳng giới có hiệu lực sớm và được triển khai tốt sẽ có tác dụng tích cực trong việc đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới, vì vậy các đại biểu đề nghị quy định ngày 8-3-2007 là ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Cần thiết ban hành Luật tương trợ tư pháp
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hợp tác, tương trợ tư pháp là yêu cầu khách quan của các quốc gia. Ở nước ta, hoạt động này đã có từ nhiều năm nay thông qua các hiệp định ký kết với các nước. Trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay, hoạt động tương trợ tư pháp lại càng có ý nghĩa quan trọng. Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký 15 hiệp định tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dưới mọi hình thức ngày càng phát triển, số tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tăng; đồng thời công dân Việt Nam ra nước ngoài để làm ăn, học tập, lao động, sinh sống cũng tăng lên đáng kể. Các quan hệ pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài đã phát sinh với quy mô lớn và tính chất phức tạp, đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh kịp thời trên cơ sở hợp tác, tương trợ tư pháp giữa nước ta và có nước có liên quan. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật về tương trợ tư pháp ở nước ta mới chỉ được quy định có tính nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự và một số pháp lệnh khác. Do đó các quy định về lĩnh vực này còn tản mạn, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao. Vì vậy, ban hành Luật tương trợ tư pháp là rất cần thiết trong tình hình mới, phục vụ kịp thời quá trình hội nhập quốc tế.
Trong quá trình góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đã có những ý kiến khác nhau về trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; việc dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Có đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá việc Việt Nam đã ký 15 hiệp định về tương trợ tư pháp trong thời gian qua…
(Theo QĐND)