Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Ngành Tòa án

21/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại ngành Tòa án nhân dân tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL được xác định là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ và là giải pháp quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là đối với công tác xét xử của ngành Tòa án nhân dân. Tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân được cụ thể và dễ hiểu hơn; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Do vậy, đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân.

Tình hình công tác quán triệt, xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện PBGDPL
Tòa án nhân dân tối cao đã xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, từ đó chỉ đạo, quán triệt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đến từng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, người lao động và đảng viên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân các cấp cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật, xem đây là biện pháp hàng đầu trong việc đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật.  
Để triển khai thực hiện Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch PBGDPL trong hệ thống Tòa án với mục tiêu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả gắn triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân[1].
Tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, đồng bộ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngay sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức triển khai thực hiện phổ biến, quán triệt thi hành đến toàn thể các cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau như: Hội nghị trực tuyến, giải đáp các vướng mắc, Công văn quán triệt thực hiện... Ngoài ra, nhiều luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng được Tòa án nhân dân tối cao phổ biến, quán triệt như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án,...; các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao đều yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhiều hình thức. Các hình thức tổ chức được đổi mới thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ và nhân dân (như tổ chức phiên tòa giả định), đa dạng về nội dung (như phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên, pháp luật về an toàn giao thông, về nghĩa vụ quân sự và phòng chống bạo lực học đường); Tổ chức các buổi toạ đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh với tuổi trẻ Toà án”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh với tác phong công vụ” bằng hình thức đối đáp và mô hình “Kể chuyện về Bác” hàng tháng ở tất cả các Chi bộ, Đảng bộ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PBGDPL; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xét xử của các Tòa án địa phương, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao luôn chỉ đạo các Tòa án chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, báo cáo và phản ánh vướng mắc về Tòa án nhân dân tối cao để kịp thời tháo gỡ. Công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các sinh viên, Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cũng được chú trọng. Hàng năm, Học viện Tòa án đã mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ này các quy định mới của pháp luật được lồng ghép vào trong tài liệu giảng dạy của Học viện Tòa án để truyền đạt đến các sinh viên, Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Đồng thời, hàng tháng Tòa án nhân dân tối cao cũng tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ trực tuyến cho các công chức giữ chức danh tư pháp trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân.
Về kiện toàn tổ chức nhân lực, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành      các Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL Tòa án nhân dân[2] và thực hiện kiện toàn Hội đồng[3]. Hội đồng phối hợp PBGDPL Tòa án nhân dân đã tổ chức các phiên họp để triển khai thực hiện công tác nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong công tác phối hợp PBGDPL. Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Tòa án nhân dân phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên của Hội đồng. Đồng thời, các Tòa án nhân dân cũng đều cử cán bộ tham gia Hội đồng tuyên truyền, PBGDPL ở địa phương, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL được Hội đồng phân công. Cán bộ tham gia Hội đồng tuyên truyền, PBGDPL đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL tại các Tòa án nơi mình công tác và các điểm do Hội đồng phân công. Bên cạnh đó, các Tòa án nhân dân đã cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết để các báo cáo viên tham gia PBGDPL theo yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp, PBGDPL của các địa phương; tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng và cơ quan thường trực Hội đồng trong tham mưu triển khai nhiệm vụ PBGDPL của chính quyền địa phương.
Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin
Để Nhân dân được tiếp cận pháp luật thông qua nhiều cách thức thì việc công khai các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được quan tâm. Theo đó, từ ngày 01-7-2017, Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện việc công bố các bản án, quyết định của Tòa án mình trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Công tác phát triển án lệ cũng được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm chỉ đạo sát sao. Mặt khác, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL thông qua Truyền hình Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao đã đổi mới hoàn thiện giao diện, nội dung, thông tin tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài Tòa án.
Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác thông tin - tuyên truyền Tòa án nhân dân để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch trọng tâm về công tác thông tin tuyên truyền hàng năm của Tòa án nhân dân; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sơ kết, tổng kết công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống Tòa án nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Tòa án nhân dân đã được tăng cường, đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, phản ánh kịp thời mọi hoạt động của Tòa án nhân dân, đặc biệt là tập trung tuyên truyền kịp thời các sự kiện lớn, thực hiện các giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm công tác của Tòa án nhân dân. Chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống Tòa án ngày càng tốt, toàn diện và phong phú hơn. Học viện Tòa án đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất Chương trình “Tòa tuyên án”, là một chương trình giáo dục pháp luật đặc biệt dành cho giới trẻ trên cơ sở các vụ án có thật.
Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Tòa án xác định tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; tăng cường sự chỉ đạo và hoạt động của Hội đồng phối hợp, PBGDPL Tòa án nhân dân theo hướng thường xuyên, sâu sát hơn; chú trọng và tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đông đảo sinh viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký, Thẩm tra viên; tổ chức tọa đàm, học tập chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm phục vụ công tác xét xử cũng như công tác tuyên truyền, PBGDPL; lựa chọn, xác định thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; nội dung pháp luật cần phổ biến gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị./.
 
Đinh Thị Ánh Hồng
 
[1] Các Quyết định số 48/QĐ-TANDTC ngày 26-4-2018 ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2018; Quyết định số 50/QĐ-TANDTC ngày 22-3-2019 ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2019; Quyết định số 58/QĐ-TANDTC ngày 10-3-2020 ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2020; Quyết định số 264/QĐ-TANDTC ngày 06-8-2021 ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2021; Quyết định số 99/QĐ-TANDTC ngày 28-4-2022 ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2022.
[2] Quyết định số 49/2019/QĐ-TANDTC ngày 22-3-2019.
[3] Quyết định số 60/QĐ-TANDTC ngày 10-3-2020 và Quyết định số 262/QĐ-TANDTC ngày 04-8-2021 về việc thay đổi thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Tòa án nhân dân.

Xem thêm »