Trong buổi thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật lao động, các đại biểu Thường vụ Quốc hội đã thống nhất để ngỏ, trình nhiều phương án để Quốc hội căn cứ vào thực tế và quyết định những vấn đề cơ bản liên quan đến đình công và giải quyết đình công.
Đó là vấn đề tranh chấp liên quan đến quyền hoặc lợi ích, thẩm quyền lãnh đạo đình công, đối tượng lấy ý kiến về đình công cũng như trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cuộc đình công bị toà tuyên là bất hợp pháp.Vấn đề phân biệt khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp về lợi ích có tới 3 luồng ý kiến khác nhau.
Các đại biểu đều xác định đây là vấn đề trọng tâm trong Dự luật để từ đó phân định rõ ràng thẩm quyền và trình tự giải quyết đối với từng loại tranh chấp cũng như tạo điều kiện để Chính phủ có biện pháp bảo đảm quyền của người lao động được thực hiện đầy đủ.
Đa số cho rằng nếu không phân định rõ ràng thì sẽ dẫn tới việc giải quyết đình công rất phức tạp và bảo vệ quan điểm chỉ cho đình công đối với tranh chấp về lợi ích (những vấn đề chưa được quy định trong pháp luật lao động mà 2 bên đang thương lượng).
Tranh chấp về quyền (như người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, thoả ước, nội quy lao động,...) cần phải giải quyết bằng con đường tố tụng. Loại ý kiến thứ hai thì cho rằng vẫn nên cho đình công khi có sự tranh chấp về quyền trong trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành phán quyết của cơ quan tố tụng.
Ngược lại, có ý kiến đề nghị cho phép đình công trong cả 2 trường hợp do thực tế cho thấy các tranh chấp về quyền và lợi ích thường đan xen nhau, quan hệ lao động ở nước ta mới hình thành, trình độ nhận thức về pháp luật của cả 2 bên đều chưa cao, hoạt động công đoàn còn hạn chế, khó phân định được vụ việc theo yêu cầu.
Do cân nhắc đây là vấn đề chi phối nhiều nội dung liên quan đến đình công cũng như các quy định khác nên Thường vụ Quốc hội đã quyết định để Quốc hội lựa chọn một trong các phương án nêu trên.Tương tự, hướng quy định thẩm quyền lãnh đạo đình công tiếp tục đứng trước 2 sự lựa chọn.
Một số ý kiến cho rằng lãnh đạo đình công là quyền duy nhất của tổ chức công đoàn do đây cũng là thông lệ quốc tế. Trong khi đó, có nhiều người vẫn lập luận, thực tế ở Việt Nam vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở (có tới 85% doanh nghiệp dân doanh và 65% doanh nghiệp có vốn FDI nằm trong tình trạng này) hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời thì tập thể lao động phải được cử đại diện để tổ chức đình công và đại diện trong quá trình thương lượng, giải quyết các yêu sách nêu ra.
Ý kiến này cũng nhận định việc tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức, lãnh đạo đình công là không hợp lý và không khả thi vì đình công thuộc phạm trù quan hệ lao động, công đoàn cấp trên không có quan hệ lao đông trực tiếp với người sử dụng lao động nên không thể vào doanh nghiệp để tổ chức đình công.
Cũng về vấn đề liên quan đến thủ tục đình công, các đại biểu đưa ra những luồng quan điểm khác nhau về hình thức và đối tượng lấy ý kiến đình công. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần phải lấy ý kiến trực tiếp người lao động do đình công là vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến lợi ích người lao động.
Cũng có ý kiến cho rằng Dự thảo quy định doanh nghiệp có dưới 500 lao động phải lấy ý kiến trực tiếp là lớn và khó thực hiện, đề nghị chỉ quy định lấy ý kiến trực tiếp tại doanh nghiệp có dưới 300 lao động.
Một số ý kiến khác lại đề nghị chỉ cần lấy ý kiến ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng tổ công đoàn, tổ sản xuất là phù hợp, vì nhiều doanh nghiệp người lao động làm việc theo ca, kíp, địa điểm khác nhau nên tiến hành lấy ý kiến trực tiếp sẽ rất khó khăn và không khả thi.
Cho đến thời điểm này, Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng ban chấp hành công đoàn hoặc đại diện lao động có thẩm quyền lấy ý kiến để đình công: làm trực tiếp đối với doanh nghiệp dưới 300 lao động, thông qua hình thức bỏ phiếu đối với thành viên ban chấp hành công đoàn, tổ trưởng tổ công đoàn hoặc tổ sản xuất.
Thời gian và hình thức tổ chức lấy ý kiến để đình công do ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo trước ít nhất 1 ngày cho người lao động.
Trong khi nhiều ý kiến thống nhất quy định vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bị toà án tuyên là bất hợp pháp thì một số đại biểu nghi ngờ tính khả thi của quy định này.
Tuy nhiên, có khả năng quy định này sẽ được giữ nguyên nhằm ngăn ngừa các cuộc đình công bất hợp pháp xảy ra. Cũng như thế, các nhà làm luật vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết đình công với lý do hỗ trợ 2 bên thương lượng hòa giải mà không "ngại" ý kiến cho rằng Nhà nước can thiệp quá sâu vào quan hệ lao động.
Ngoài ra, cũng còn một số ý kiến góp ý về các vấn đề như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, việc miễn án phí cho người lao động khi người lao động yêu cầu toà giải quyết tranh chấp lao động, vấn đề thời hạn hoà giải trong vụ tranh chấp, các thành phần liên quan đến công tác hoà giải, đặc biệt là vai trò của hội đồng hoà giải và hoà giải viên cấp huyện.
(Theo Thời báo Kinh tế Việt nam)