Giới thiệu Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực TGPL trong điều tra hình sự

15/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý (TGPL) đánh dấu lần đầu tiên có trực TGPL 24/24 giờ trong điều tra hình sự được triển khai trên toàn quốc từ Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hệ thống cơ sở giam giữ thuộc Công an nhân dân đến Công an cấp xã bảo đảm cho người thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm với TGPL, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời; hạn chế việc người dân thuộc diện TGPL bị bỏ lỡ cơ hội được TGPL miễn phí. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của cán bộ ngành tư pháp và ngành Công an sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và giúp quá trình tố tụng khách quan, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiếp cận công lý cho người dân.
Về hình thức trực, nhân lực thực hiện việc trực: Chương trình quy định hình thức trực TGPL qua điện thoại. Người trực là trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng ký với Trung tâm. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Trung tâm có thể bố trí người hỗ trợ trực là chuyên viên của Trung tâm, có đủ năng lực để tiếp nhận, hướng dẫn về thủ tục yêu cầu TGPL. Trung tâm phân công người trực qua điện thoại 24/24 giờ.
 Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực:
- Đối với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã: Khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được TGPL hoặc do họ tự nhận là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực; cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.
- Đối với người trực, sau khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã có trách nhiệm liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ TGPL. Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được TGPL hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động TGPL.
Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam và không thuộc trường hợp quy định bào chữa từ khi kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ để kiểm tra diện người được TGPL.
Việc gặp để kiểm tra diện người được TGPL được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam và pháp luật về TGPL.
 Về trách nhiệm của Bộ Tư pháp: 
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình và đề xuất giải pháp.
- Chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình như: (i) phối hợp với các cơ quan Công an có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình; thống nhất về việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm; (ii) chỉ đạo Trung tâm lập dự toán cho việc thực hiện Chương trình; 
- Xây dựng Mẫu Sổ trực TGPL và hướng dẫn Trung tâm thống kê vào Sổ trực TGPL; 
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ người trực, người hỗ trợ trực TGPL… 
Về trách nhiệm của Bộ Công an:
- Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nội dung phối hợp tại Chương trình và đề xuất giải pháp.
- Chỉ đạo cơ quan Công an có liên quan triển khai thực hiện Chương trình như: (i) phối hợp với Sở Tư pháp để triển khai thực hiện Chương trình; thống nhất về việc niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm tại trụ sở; (ii) thống kê việc gọi điện cho người trực, người hỗ trợ trực; (iii) bố trí địa điểm, điều kiện phù hợp để người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, gặp gỡ, làm việc với người được TGPL; 
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình tại các cơ quan Công an có liên quan; hướng dẫn cơ quan Công an có liên quan thống kê việc gọi điện cho người trực, người hỗ trợ trực.
Về tổ chức thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an là các đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực, tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình, tham mưu trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Chương trình.
- Sở Tư pháp, Công an cấp tỉnh chủ động phối hợp, xây dựng Kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương.
Sau đây file scan Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Xem thêm »