“Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” được xác định là một trong những tiêu chuẩn xét, tặng danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

18/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định số 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” do Chính phủ ban hành ngày 07/12/2023.

Ngày 17/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Các danh hiệu thi đua của lĩnh vực văn hóa ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao dân trí, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần của Nhân dân. Năm 2022, đã có gần 22 triệu hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; gần 78 nghìn làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa và tương đương được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Tuy nhiên, chưa có danh hiệu thi đua đối với các tập thể dẫn đầu phong trào thi đua cấp huyện nên Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu để tặng hằng năm cho các tập thể thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giao; đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 2 Điều 29, khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 và khoản 7 Điều 84 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, ngày 07/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.  Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/01/2024.
Trước đây, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định các tiêu chí rất cụ thể để đánh giá từng tiêu chuẩn thi đua với các danh hiệu, các trường hợp không xét tặng danh hiệu, thang điểm, cách chấm điểm để áp dụng chung cho cả nước. Các quy định này đã trở nên không phù hợp với Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, đó là giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu trên cơ sở khung tiêu chuẩn do Chính phủ quy định, cũng như thực hiện mục tiêu đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến). Do đó, Nghị định số 86/2023/NĐ-CP chỉ quy định khung tiêu chuẩn danh hiệu thi đua “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa” trên cơ sở kế thừa các tiêu chí tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP theo hướng khái quát hơn, mang tính định lượng, khả thi để đảm bảo các địa phương có thể tự xác định và quy định cụ thể tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương.
Đặc biệt tại Mục V Phụ lục 1 Nghị định 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” đã  xác định “xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là một trong những tiêu chuẩn xét, tặng danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.
 Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiện nay được thực hiện hàng năm theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 05 tiêu chí và 20 chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây là công cụ đo lường, đánh giá mức độ thực hiện trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trọng tâm là xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan này trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Việc xác định “xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là một trong những tiêu chuẩn xét, tặng danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu” là hoàn toàn phù hợp, khẳng định vai trò của pháp luật trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; gắn kết công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với công tác thi đua khen thưởng; góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác này./.
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »