Nghị định 17 sửa đổi về vận động, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức dự kiến được ban hành vào giữa tháng 10, trong đó phân cấp trách nhiệm sử dụng vốn ODA triệt để xuống địa phương, Chính phủ chỉ còn quyết những dự án lớn do Quốc hội đề nghị.
Vụ phó Kinh tế đối ngoại Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Mạnh Cường cho biết như trên.
* Thủ tướng chỉ đạo đến cuối tháng 9 phải hoàn tất dự thảo Quy chế Ban quản lý dự án ODA. Vì sao gần hết tuần đầu tháng 10 rồi mà quy chế vẫn bặt tăm?
- Hiện nay Bộ đã hoàn tất Quy chế Ban quản lý dự án (PMU), nhưng gần đây có nhiều phản ánh của những Bộ ngành, nhất là Tài chính, đề nghị lùi thời gian ban hành. Bộ Tài chính đang nghiên cứu, dự kiến ngày 12-10 có ý kiến thêm về quy chế.
Hơn nữa, Chính phủ cũng có ý kiến là đợi ban hành Nghị định 17 sửa đổi xong, dự kiến là giữa tháng 10, Quy chế Ban quản lý dự án sẽ ra ngay để đồng bộ thực hiện.
* Nghị định 17 sửa đổi sẽ có những điểm mới nào so với quy định cũ, theo bản dự thảo mới nhất?
- Hiện dự thảo nghị định đang ở khâu hỏi ý kiến các thành viên Chính phủ. Để đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả và giải ngân tốt, Chính phủ sẽ phân cấp trách nhiệm triệt để hơn đến các địa phương. Chính phủ sẽ không xem xét các dự án theo nhóm A - B - C nữa mà quyết định những dự án lớn, có tầm quốc gia dựa trên đề nghị của Quốc hội. Đây là một điểm rất mới, cải cách mạnh mẽ của NĐ 17.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng chỉ làm 2 việc chính: Dựa trên kế hoạch và những tiêu chí cụ thể để lập danh mục kêu gọi tài trợ. Theo dõi dự án ở tầm vĩ mô, thường là hậu kiểm. Phần còn lại các địa phương phải chịu trách nhiệm theo dõi hiệu quả tài trợ.
Các địa phương, chủ đầu tư cũng có thể thuê các Ban quản lý dự án, trong và ngoài nước đều được, nếu PMU của mình không đạt các yêu cầu đảm bảo hiệu quả dự án.
* Có thông tin cho hay, khi Nghị định 17 sửa đổi được ban hành, các PMU hiện hữu vẫn giữ lại mô hình hoạt động hiện nay. Tuy nhiên PMU chỉ là đơn vị giúp việc độc lập với chủ đầu tư. Theo ông, phải hiểu sự phân cấp này như thế nào?
- Dự kiến các PMU sẽ hoạt động theo 2 mô hình chính: đơn cấp và đa cấp. Đơn cấp thì PMU kiêm luôn chức năng đầu tư. Đa cấp phải theo trình tự 3 cấp là cơ quan chủ quản quyết định chủ đầu tư, chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án. Đây là mô hình mới.
Tuy nhiên, khi Nghị định 17 sửa đổi ban hành, có một giai đoạn quá độ để các PMU đang làm và làm tốt vẫn được duy trì. Các dự án khác, sắp triển khai, phải tuân theo nghị định mới. Tuy nhiên, như đã nói, nghị định 17 sẽ phân cấp mạnh mẽ trách nhiệm quản lý vốn ODA đến địa phương. Do đó chọn PMU như thế nào, quản lý việc sử dụng và giải ngân vốn ra sao... sẽ ảnh hưởng đến việc gọi vốn ODA của địa phương.
Mới đây Chính phủ đã yêu cầu các nhà tài trợ để VN chủ động sử dụng nguồn vốn ODA bằng cách đưa vào ngân sách quốc gia và ngân sách tỉnh. Một số nhà tài trợ ủng hộ phương án này. Nhưng việc thu hút nhà tài trợ theo mô hình mới còn tùy các chủ ODA và năng lực của địa phương. Địa phương quản lý vốn tốt, hiệu quả, tạo được uy tín với các nhà tài trợ thì sẽ thu hút được nhiều ODA hơn.
(Theo VnExpress)