Chiều 26/10, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc, Bộ Tư pháp, các luật sư và đại diện kiều bào đang ở trong và ngoài nước.
Theo điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, là nhân tố thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước. Nhiều văn bản luật liên quan đến bà con ở nước ngoài đã được Quốc hội thông qua trong 20 năm qua như Luật Quốc tịch, luật đầu tư, luật nhà ở và đất đai…
Tuy nhiên, để bà con ngày càng gắn bó và tham gia vào công cuộc phát triển đất nước, một số vấn đề pháp lý cần được tiếp tục giải quyết như vấn đề quốc tịch, hộ tịch, đầu tư, thương mại, căn cước công dân, lao động, xuất – nhập cảnh…
Đồng chủ trì hội thảo chiều nay, ông Nguyễn Mạnh Đông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được lắng nghe ý kiến kiều bào về những khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý trong từng vấn đề cụ thể; từ đó xác định cách thức hỗ trợ trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong rằng, hội thảo là bước đi khởi đầu để tiến tới hình thành một cơ chế hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia tư vấn sâu về mặt chuyên môn của các luật sư, để tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ bà con trong quá trình về nước sinh sống làm ăn phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi cũng hi vọng, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của bà con, Đoàn Luật sư Hà Nội tăng cường công tác phổ biết pháp luật, giải đáp các thắc mắc của bà con về chính sách pháp luật và các thủ tục hành chính có liên quan”.
Tại hội thảo, đại diện kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã nêu ra nhiều ý kiến khác nhau, mong muốn được hỗ trợ pháp lý.
“Theo luật của Việt Nam, trước 14 tuổi các cháu cần phải xin nhập tịch Việt Nam và sau 14 tuổi thì hoàn toàn không được, đấy là một cái cũng rất là hạn chế tại vì bà con ở bên kia chưa được tiếp xúc với các nguồn tin về luật pháp. Đây là điều bà con bên Anh rất mong mỏi, để các cháu có được quốc tịch Việt Nam” - Ông Tăng Tuấn Tú, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương Quốc Anh bày tỏ.
Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết: “Cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc có một số kiến nghị một số vấn đề liên quan đến căn cước công dân, hộ tịch, chế tài đối với các công ty du học và xuất nhập khẩu lao động”.
Tiếp nhận những ý kiến của bà con Kiều bào, luật sư Huỳnh Phương Nam – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhấn mạnh đến yêu cầu được đặt ra hiện nay là cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là những địa bàn khó khăn để dồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập vào xã hội sở tại.
Đặc biệt, tại hội thảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đề xuất được phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài “không có mục đích lợi nhuận.
Luật sư Huỳnh Phương Nam cho biết: “Có rất nhiều người có nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý nhưng phương thức tiếp cận như thế nào chưa cách thức cụ thể. Đoàn luật sự Hà Nội có sáng kiến đó là hỗ trợ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài. Dẫu vậy, có nhiều khó khăn và muốn làm được điều đó cần sự chung tay của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể và mọi thành phần xã hội”.
Nguồn: Báo điện tử VOV