Nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) mà Chính phủ và Thủ tướng đã giao, ngày 8/7/2008, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
Theo chỉ thị, để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng phân công trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ như sau: Vụ Công nghệ thông tin rà soát, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp CNTT; Chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng Khu tổ hợp công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức triển khai thực hiện... Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam tổ chức đánh giá, kiểm thử các sản phẩm phần mềm nguồn mở (PMNM), đề xuất đưa vào Danh mục các sản phẩm PMNM để khuyến cáo các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mua sắm và sử dụng đồng thời hỗ trợ chuyển giao sử dụng PMNM; Chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ CNTT trình Bộ trưởng việc thành lập Quỹ phát triển công nghiệp phần mềm... Vụ Khoa học Công nghệ nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng đề án thành lập và quy chế quản lý, khai thác Kho tài sản trí tuệ phần mềm... Vụ Tổ chức Cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ CNTT nghiên cứu, xây dựng trình Bộ trưởng các quy định về điều kiện hoạt động đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng các kỹ năng chuyên ngành và công nghệ mới cho đội ngũ nhân lực công nghiệp CNTT, cấp chứng chỉ trong lĩnh vực CNTT... Vụ Viễn thông nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp CNTT lớn, các khu CNTT tập trung về hạ tầng viễn thông và kết nối Internet....Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng chính sách về an toàn thông tin, các quy định về bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin và đảm bảo an toàn mạng cho phát triển công nghiệp CNTT; Điều phối khắc phục sự cố an ninh mạng, đánh giá mức độ an toàn thông tin cho các sản phẩm và hệ thống CNTT.
Các Sở Thông tin và Truyền thông: Rà soát, bổ sung, sửa đổi trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển công nghiệp CNTT tại địa phương; Chủ động, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phương án phát triển các khu CNTT tập trung, khu công nghiệp phần mềm; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp CNTT tại địa phương; Tích cực, chủ động xây dựng, triển khai các dự án phát triển công nghiệp CNTT tại địa phương, gồm: Điều tra, khảo sát, thu thập, đánh giá số liệu thống kê về hoạt động công nghiệp CNTT trên địa bàn; Đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT tại địa phương; Xây dựng kế hoạch tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực cho công nghiệp CNTT trên địa bàn; Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển PMNM; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm CNTT trọng điểm; Phát triển hạ tầng thông tin cho công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.
Các Hiệp hội CNTT: Phối hợp các doanh nghiệp thành viên nghiên cứu, đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông và Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam; Chủ động, tích cực tổng hợp các đề xuất của các doanh nghiệp thành viên về việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp CNTT để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông; Hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vào các nội dung của Chương trình; Liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp; Đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong các hoạt động triển khai các dự án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp CNTT; Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) chủ trì tổ chức hội thảo, hội nghị, các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm xây dựng thương hiệu, hình ảnh, xúc tiến thương mại phát triển thị trường gia công, xuất khẩu phần mềm; Phát động các cuộc thi viết kịch bản cho trò chơi điện tử, đặc biệt là các kịch bản cho trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác phù hợp với văn hoá và lịch sử Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chủ trì nghiên cứu, triển khai dự án tái cơ cấu sản xuất sản phẩm điện tử; Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.
Các doanh nghiệp CNTT: Tích cực tham gia thực hiện các dự án, đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp CNTT; Tăng cường đầu tư phát triển thị trường, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; Đề xuất nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm như: Ưu tiên chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để áp dụng sản xuất các trò chơi điện tử của Việt Nam; Đầu tư nghiên cứu sản xuất một số trò chơi trực tuyến, trò chơi trên điện thoại di động; Phát triển một số sản phẩm giải trí trên mạng, các trò chơi trên Internet./.
Thuý Quỳnh