Mức trần giá dịch vụ môi giới xuất khẩu lao động

19/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là đã sửa đổi Điều 7 Thông tư 21/2021 về mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động.
Theo đó, mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian, nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.
Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.
Mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới cũng được quy định rõ ràng đối với một số thị trường, ngành, nghề cụ thể.
Theo đó, mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới là 0 đồng áp dụng cho mọi ngành nghề đối với các thị trường Nhật Bản và Thái Lan; áp dụng cho nghề thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc; nghề lao động giúp việc gia đình tại các thị trường Malaysia, Brunei và các nước Tây Á; nghề lao động nông nghiệp tại Australia.
Trước đó, tại Điều 7 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định về mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động như sau:
Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.
Theo Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, quy định về hợp đồng môi giới và giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới như sau:
Hợp đồng môi giới là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam, để giao kết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
Giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới do hai bên thỏa thuận, và được ghi rõ trong hợp đồng, nhưng không vượt quá mức trần theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 (sửa đổi tại Luật Giá 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần giá dịch vụ theo hợp đồng môi giới, phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo từng thời kỳ có người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại điều khoản chuyển tiếp của Thông tư 02/2024 cũng nêu rõ, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và thỏa thuận khác có liên quan đã được ký kết, và người lao động đã xuất cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi kết thúc hợp đồng.
Hợp đồng cung ứng lao động đã đăng ký, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận, và người lao động chưa xuất cảnh trước ngày 15/5/2024, nếu có nội dung trái quy định của Thông tư này thì Hợp đồng cung ứng lao động phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ký kết mới.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

Xem thêm »