Dự kiến Chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI

10/10/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 9/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội.

 Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chưa trình Quốc hội tại kỳ họp này các dự án: Luật về hội; Bộ luật thi hành án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ, để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện tốt hơn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bố trí Quốc hội thảo luận một số vấn đề nổi cộm như: Công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo; vấn đề tạo việc làm và ổn định đời sống cho nông dân sau khi thu hồi đất nông nghiệp đang gây bức xúc trong bộ phận không nhỏ nông dân …Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào chương trình nội dung thảo luận báo cáo về đổi mới chương trình, thực hiện phân ban ở bậc phổ thông trung học và thay sách giáo khoa, phát triển giáo dục đại học, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đề nghị bổ sung vấn đề di dân tái định cư dự án Thuỷ điện Tuyên Quang; việc hoàn thành dự án Khí-Điện-Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu…

Vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn ở một số kỳ họp gần đây đã được nâng lên rõ rệt, nhưng hiệu lực chưa cao và còn khoảng cách khá xa với yêu cầu đặt ra. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến theo hướng tránh dàn trải, tập trung vào những vấn đề bức xúc cử tri đặc biệt quan tâm, để thảo luận tại hội trường. Không nên qui định về thời gian tối đa là 60 phút cho mỗi người trả lời chất vấn, mà tuỳ từng nội dung chất vấn và tranh luận để điều hành linh hoạt, hiệu quả. Một số ý kiến đề nghị tăng thời gian cho các phiên họp chất vấn tại hội trường, nếu chỉ có 3 ngày thì nên lựa chọn những vấn đề bức xúc, nhiều cử tri quan tâm để có thời gian tranh luận triệt để.

Dự kiến tổng thời gian làm việc thực tế của kỳ họp là 31 ngày ( kể cả 1 ngày thảo luận tổ về kinh tế-xã hội). Trong đó, công tác xây dựng pháp luật gồm cả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là 12 ngày; kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước 4 ngày; thảo luận các chuyên đề 8 ngày; chất vấn và trả lời chất vấn 3 ngày; các vấn đề khác 4 ngày.

Nội dung phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), sẽ được bố trí vào ngày 29/11/2006. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản thống nhất về việc tiến hành kỳ họp thứ 10 thành hai đợt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Hội nghị APFC

Đợt 1: Từ 17/10 đến 10/11-2006

Đợt 2: Từ 20/11 đến 6/12- 2006. Dự phòng 1 ngày

(Theo website Đảng Cộng sản)

Xem thêm »