Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Ở nước ta hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư . Để tạo cơ sở pháp lý, thúc đẩy đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên thể chế hóa các quy định về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, quy định chi tiết về việc hình thành và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, với mục tiêu tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư, hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Qua hơn 06 năm triển khai, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý huy động các nguồn vốn của nhà đầu tư nhỏ, phù hợp với mức độ và trình độ phát triển của các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn hiện nay. Kể từ khi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP có hiệu lực, tính đến hết tháng 6/2024, cả nước đã có 33 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn góp là khoảng 413 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 16 triệu USD). Các quỹ thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP đa phần có quy mô nhỏ xét trên phương diện vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực đầu tư của các quỹ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đầu tư có rủi ro tương đối thấp, mang lại lợi nhuận ổn định như công nghệ thông tin, giáo dục, y tế và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số bất cập, gây vướng mắc, khó khăn và chưa phát huy hết tiềm năng như kỳ vọng của cộng đồng quỹ đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như quy định về giới hạn quy mô góp vốn của quỹ; danh mục và lĩnh vực hoạt động của quỹ chưa đầy đủ, chưa thể hiện đúng bản chất hoạt động của một quỹ đầu tư, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của công ty quản lý trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Trên cơ sở đánh giá và tổng kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP để khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến, trong đó có một số nội dung đáng lưu ý như công cụ tài chính có thể chuyển đổi, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp luật, việc thành lập hoặc thuê công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quyền mua cổ phần,…
Theo đó, công cụ đầu tư có thể chuyển đổi là công cụ tài chính nhằm cấp vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thông qua hợp đồng đầu tư giữa quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, kèm với các điều khoản cho phép chuyển đổi thành cổ phần, phần vốn góp hoặc các hình thức sở hữu khác theo các điều kiện đã được xác định trước trong hợp đồng đầu tư. Quyền mua cổ phần là công cụ đầu tư phái sinh từ hợp đồng đầu tư giữa DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cho phép quỹ quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định trước trong hợp đồng.
Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, có từ 2 đến tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở Điều lệ quỹ. Vốn góp tối thiểu tại thời điểm thành lập quỹ là 200 triệu đồng. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác. Tài sản góp vốn có thể bằng Đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam. Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với nguồn vốn là tài sản của công ty thực hiện quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tiền và đầu tư chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại các tổ chức tín dụng đã được Ban đại diện quỹ phê duyệt.
Các nhà đầu tư của quỹ có thể thành lập hoặc thuê công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để quản lý quỹ. Công ty thực hiện quản lý quỹ có trách nhiệm thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Trong quá trình quản lý hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ không được sử dụng vốn, tài sản của quỹ để đầu tư vào chính quỹ đó; không được sử dụng vốn, tài sản của quỹ để cho vay thương mại, bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay thương mại nào; không được sử dụng vốn, tài sản của quỹ để đầu tư cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu, chứng chỉ quỹ theo pháp luật Chứng khoán; không được cam kết lợi nhuận trong các tài liệu và hoạt động huy động vốn của quỹ.
Để tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư tiếp cận các tiềm năng tăng trưởng của một doanh nghiệp mới mà không cần phải đầu tư một lượng vốn lớn ngay từ ban đầu, khắc phục hạn chế của Nghị định 38/2018/NĐ-CP chỉ cho phép các quỹ thực hiện một số nghiệp vụ hạn chế như đầu tư vốn điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo hoặc gửi tiền để lấy lãi tiết kiệm, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế cũng cho phép các quỹ đầu tư có thể đầu tư chứng chỉ tiền gửi để tối ưu hoá nguồn lực tài chính, mở rộng và hoàn thiện các nghiệp vụ đầu tư của quỹ, đảm bảo đầy đủ các nhu cầu đầu tư cốt lõi và chính đáng, dự thảo Nghị định bổ sung thêm ba lĩnh vực hoạt động của quỹ đầu tư, bao gồm: Đầu tư chứng chỉ tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, đầu tư công cụ đầu tư có thể chuyển đổi và quyền mua cổ phần tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật