Một số nội dung cơ bản, điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật

25/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nhước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2024. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Luật có 11 Điều vào có một số nội dung cơ bản, điểm mới quan trọng.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung 25 điều của Luật Chứng khoán. Trong đó tập trung vào các quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán (như quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ...); hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung 09 điều của Luật Kế toán nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kế toán; đơn giản hóa nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị kế toán; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán. Luật sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chuẩn mực kế toán; dịch tài liệu ra tiếng Việt; kỳ kế toán đầu tiên và cuối cùng của đơn vị kế toán; đơn giản nội dung chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán điện tử; quy định về báo cáo tài chính; quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong ban hành chế độ kế toán hoặc văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc phạm vi quản lý; quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung 07 điều của Luật Kiểm toán độc lập, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng Kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đây đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định. Trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập;  xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; quy định về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán; nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung 08 điều của Luật Ngân sách nhà nước, nhằm khắc phục một số vướng mắc, bất cập liên quan đến cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ; chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên; chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác; đối tượng được phân bổ và giao dự toán ngân sách; bổ sung quy định về giao Chính phủ, Ủy ban nhân dân triển khai phân bổ đối với khoản dự toán chi đầu tư phát triển, chỉ thường xuyên chưa phân bổ giao chi tiết; bổ sung cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung 31 điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, tập trung vào các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công; việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với các văn bản quy phạm pháp luật khác như bổ sung quy định về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp Luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan; bổ sung quy định việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; việc quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp được thực hiện theo các quy định có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung 14 điều của Luật Quản lý thuế, nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ để đảm bảo công bằng, bình đẳng, minh bạch, thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật (các quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế; nguyên tắc quản lý thuế; mức tiền phải trả lãi, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp); sửa đổi, bổ sung một số quy định để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế (quy định về nguyên tắc khai thuế, khai bổ sung hồ sơ khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số); sửa đổi, bổ sung quy định về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung 02 điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, để đảm tính khả thi, đồng bộ trong công tác quản lý thuế, bao gồm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập, tổ chức là nhà quản lý sàn thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số.
Thứ tám, sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật Dự trữ quốc gia, tập trung vào các quy định liên quan cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.
Thứ chín, sửa đổi, bổ sung 02 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, để đảm bảo đồng bộ chính sách với quy định xử lý vi phạm hành chính tại Luật kiểm toán độc lập, bao gồm thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và sửa đổi một số cụm từ.
Ngoài ra, Luật còn có một số quy định có hiệu lực riêng như: Quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 và khoản 9 Điều 1 của Luật này; quy định về vốn chủ sở hữu tại điểm a khoản 11 Điều 1 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Quy định về kiểm toán độc lập tai điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4. Điều 3 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước tại Điều 4 của Luật này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2025. Quy định về hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số tại điểm b khoản 5 Điều 6 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2025.
Thùy Nhung 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

Xem thêm »