Một số nội dung chính của Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024

18/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, với mục đích thể chế hóa chính sách của Đảng về hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em và thực hiện các công ước của Liên hợp quốc về trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 là một bước tiến mới trong công tác phòng, chống tội phạm ở người chưa thành niên, khắc phục được một số bất cập hiện tại về hệ thống hình phạt, quy chế thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên, đồng thời thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

   Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 gồm 10 chương, 179 điều và có một số nội dung chính sau:
    Thứ nhất, Luật đã quy định các nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự.
     Xuất phát từ những đặc điểm tâm, sinh lý và các yếu tố tác động tới quá trình phạm tội của người chưa thành niên cũng như thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đã quy định 16 nguyên tắc cơ bản sau để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự, gồm: bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm có người đại diện; giải quyết nhanh chóng, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên; bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến; bảo đảm hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; bảo đảm việc thi hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chấp hành án phạt tù phù hợp; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
    Thứ hai, Luật đã xây dựng chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
    Nhận thấy trong thời gian qua, việc áp dụng các hình phạt đối với người chưa thành niên chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng, vì vậy các nhà làm luật đã nghiên cứu bổ sung, sửa đổi nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với người chưa thành niên tại Điều 36 của Luật như: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
    Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cần linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng. Khi xem xét áp dụng, phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên và sự an toàn của bị hại, cộng đồng; sự phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên. Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng; nhưng không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét mà người phạm tội đã đủ 18 tuổi.
  Thứ ba, Luật đã xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện theo hướng phù hợp hơn với người chưa thành niên.
   Luật đã đổi mới chế định về biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội tại Điều 135, trong đó các biện pháp ngăn chặn bao gồm: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị truy nã, để tạm giam; tạm giữ; tạm giam; giám sát điện tử; giám sát tại nhà. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm: Áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản. Luật đã thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam, theo đó, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả. Ngoài ra, Luật cũng bảo đảm quyền được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời của người chưa thành niên đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, trợ giúp viên pháp lý của họ. Luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người chưa thành niên bị buộc tội được tham gia tố tụng từ khi xác minh tin báo, tố giác tội phạm. Trường hợp bắt, giữ người chưa thành niên thì họ được tham gia từ khi bắt, giữ người chưa thành niên. Biên bản lấy lời khai, hỏi cung bị can là người chưa thành niên phạm tội chỉ được xác định là chứng cứ khi có sự tham gia của luật sư, trợ giúp viên pháp lý.
  Thứ tư, đổi mới chế tài hình phạt và quy chế tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên.
   Hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Tuy nhiên, Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 đã bổ sung quy định về áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt; mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo. Trường hợp người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng thì cũng có thể được áp dụng hình phạt tiền và mức phạt tiền không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định. Hình phạt tù đối với người chưa thành niên được xây dựng theo xu hướng giảm nhẹ để bảo đảm tính nhân văn nhưng cũng vẫn duy trì được tính nghiêm minh, răn đe với người vi phạm.
   Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 cũng quy định các hình thức tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên trong và sau khi chấp hành xong hình phạt như: mở rộng phạm vi được tha tù trước thời hạn; cho phép thực hiện xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người chưa thành niên vào bất kỳ thời điểm nào trong năm thay vì định kỳ xét chung theo đợt với người đã thành niên; dạy nghề; tư vấn tâm lý và hỗ trợ việc làm./.
Lại Nhật Quang  
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »