Một số điểm đáng chú ý trong dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

06/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (dự thảo Thông tư). Dự thảo Thông tư này dự kiến sẽ thay thế Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT ngày 28/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc, tiêu chí, quy trình xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non theo tất cả hình thức đào tạo, bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Dự thảo Thông tư có phạm vi áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Nguyên tắc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh
Theo dự thảo Thông tư, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện cho từng năm, theo từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo tại trụ sở chính và từng phân hiệu, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo, nhu cầu thị trường lao động, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng vùng, địa phương.
Các trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành bao gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành: Đào tạo giáo viên; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài và các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.
Cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ các tiêu chí và quy trình quy định tại Thông tư và công bố công khai theo các quy chế tuyển sinh hiện hành, trừ những trường hợp chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thì chỉ được công bố chỉ tiêu tuyển sinh theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố, đồng thời không được vi phạm các quy định tại Điều 4 Thông tư. Đây là điểm mới so với Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT và Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT.
Tiêu chí xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh
Chỉ tiêu được xác định và thực hiện bảo đảm quy mô đào tạo cuối năm tuyển sinh (dự kiến và thực tế) đáp ứng các tiêu chí về tỷ lệ diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên tổng số người học chính quy quy đổi tại trụ sở chính và từng phân hiệu không nhỏ hơn 2,8m2; tỷ lệ người học quy đổi trên giảng viên toàn thời gian đối với từng nhóm ngành và từng ngành (trong trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành) của cơ sở đào tạo không lớn hơn 40. Cùng với đó, cần đảm bảo các tiêu chí về đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu đáp ứng quy định của chuẩn chương trình đào tạo áp dụng cho ngành, nhóm ngành và trình độ đào tạo tương ứng. Việc tuyển sinh cần phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình, nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 
Theo dự thảo, chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành trình độ đại học, ngành chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 tại trụ sở chính và phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề trong các trường hợp tỉ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%, hoặc tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%. Trong đó, tỉ lệ thôi học năm đầu là tỉ lệ người thôi học (bao gồm cả số bị buộc thôi học) sau năm đầu tiên trên số thực tuyển của một ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo. Tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm là tỉ lệ người học của một ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo đã tốt nghiệp có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo
Trước đó, Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh lĩnh vực đó nếu tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80% hoặc tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%.
Quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Dự thảo Thông tư quy định: hàng năm, chậm nhất ngày 15/01, cơ sở đào tạo hoàn thành cập nhật số liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS); chậm nhất ngày 31/3, cơ sở đào tạo hoàn thành xác định, cập nhật chỉ tiêu tuyển sinh trên hệ thống phần mềm quản lý chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Chậm nhất ngày 31/5, Bộ GD&ĐT quyết định và thông báo chỉ tiêu đối với từng cơ sở.
Điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh
Dự thảo Thông tư cũng quy định về việc điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu. Theo đó, riêng với các ngành đào tạo giáo viên, dự thảo nêu: trước ngày 31/8 của năm tuyển sinh, cơ sở đào tạo được đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu, bảo đảm chỉ tiêu mỗi ngành không thay đổi quá 20% so với chỉ tiêu đã thông báo và tổng chỉ tiêu không vượt quá chỉ tiêu đã thông báo. Trên thực tế, quy định hiện hành yêu cầu thực tuyển không vượt quá chỉ tiêu công bố dẫn đến việc triển khai tổ chức xét tuyển tại các cơ sở đào tạo rất khó khăn để xác định được chính xác.
Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý dự thảo đến ngày 22/11/2024./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »