06 loại hình di sản văn hoá phi vật thể được khẳng định trong Luật Di sản văn hoá năm 2024

15/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Vừa qua, ngày 23/11/2024 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hoá. Luật gồm 09 chương, 95 điều (tăng 02 chương, 22 điều so với Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009). Luật di sản văn hoá năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

Trong số những điểm mới của Luật Di sản văn hoá năm 2024 là việc quy định rõ về 06 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (thay vì trước đây, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 chưa quy định rõ về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể). Cụ thể tại Điều 10 của Luật Di sản văn hoá năm 2024 có quy định rõ về 06 loại hình di sản văn hoá phi vật thể gồm: (i) Biểu đạt và truyền thống truyền khẩu gồm các hình thức thể hiện thông tin bằng ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, ký tự và ngữ văn dân gian; (ii) Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu truyền thống và các hình thức trình diễn dân gian khác; (iii) Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các thực hành thường xuyên, ổn định, thể hiện quan niệm, niềm tin của cộng đồng, thông qua các lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể; (iv) Lễ hội truyền thống gồm các thực hành nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, được thực hiện theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan; (v) Tri thức dân gian gồm tri thức về tự nhiên và vũ trụ, sức khỏe và đời sống con người, lao động, sản xuất, phòng bệnh, chữa bệnh, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác; (vi) Nghề thủ công truyền thống gồm các thực hành thủ công bằng tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết, nghệ thuật cùng với công cụ, đồ vật, đồ tạo tác, nguyên vật liệu tự nhiên, tạo ra các sản phẩm mang bản sắc văn hóa của cộng đồng chủ thể. 

  Ngoài ra, Luật còn quy định về lập hồ sơ ghi danh di sản phân bố từ 02 địa phương trở lên, hồ sơ đa quốc gia; quy định rõ về việc duy trì thực hành, truyền dạy, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hoá; tiêu chí, ghi danh, huỷ bỏ ghi danh di sản, Đề án bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh, có nguy cơ mai một, thất truyền và chế độ chính sách đối với nghệ nhân, chính sách đặc biệt đối với nghệ nhân là chủ thể di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số,… được quy định rõ tại các điều của “Chương III Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể” của Luật Di sản văn hoá năm 2024.
Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ và phát huy, với những chính sách mới tại Luật Di sản văn hoá năm 2024 về nghệ nhân, chủ thể di sản văn hoá phi vật thể, đặc biệt ưu tiên nghệ nhân, chủ thể di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ của Nhà nước; được hỗ trợ cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hoá liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. 
Luật Di sản văn hóa năm 2024 có nhiều thay đổi lớn nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội bền vững; đáp ứng yêu cầu về các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc, phù hợp với thời đại hiện nay./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

Xem thêm »