Một số điểm mới về những quy định chung trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội

28/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 08/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (Nghị định số 126/2024/NĐ-CP). Nghị định số 126/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; đồng thời bãi bỏ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù. So với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, những quy định chung trong tổ chức, hoạt động và quản lý hội tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP có một số điểm mới sau đây:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: Nghị định số 126/2024/NĐ-CP điều chỉnh việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP bổ sung một điều riêng về đối tượng áp dụng. Theo đó, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó. Nghị định số 126/2024/NĐ-CP không áp dụng với các tổ chức gồm: (i)  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, (ii) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, (iii) Hội Nông dân Việt Nam, (iv) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, (v) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, (vi) Hội Cựu chiến binh Việt Nam; (vii) Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; (viii) Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã bổ sung “cơ sở tín ngưỡng” và “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động” và  bỏ “các tổ chức giáo hội” không phải là đối tượng áp dụng so với quy định trước đây.
Thứ hai, giải thích thuật ngữ về hội có sự điều chỉnh, thay đổi so với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Theo đó, Hội là tổ chức tự nguyện của tổ chức, công dân Việt Nam cùng lĩnh vực, ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan[1]. Đồng thời, bổ sung giải thích đối với 02 thuật ngữ mới gồm “không vì mục tiêu lợi nhuận” và “Cơ sở dữ liệu về hội”. Cụ thể: Không vì mục tiêu lợi nhuận được hiểu là hội không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nếu có phát sinh lợi nhuận trong quá trình hoạt động của hội thì không được phân chia cho hội viên mà chỉ để dùng cho các hoạt động theo điều lệ của hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở dữ liệu về hội là tập hợp thông tin phục vụ chức năng quản lý nhà nước về hội và hoạt động của các hội nhằm lưu trữ và chia sẻ thông tin về các hội.
Thứ ba, về phạm vi hoạt động: Phạm vi hoạt động của hội (theo địa giới hành chính) gồm: (i) Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; (ii) Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh; (iii) Hội hoạt động trong phạm vi huyện; (iv) Hội hoạt động trong phạm vi xã (đối với hội sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng được xác định tương đương hội hoạt động trong phạm vi xã). So với nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định hội sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng được xác định tương đương hội hoạt động trong phạm vi cấp xã cho phù hợp thực tế hiện nay.
Thứ tư, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội: Việc tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo 05 nguyên tắc: (i) Tự nguyện, tự quản; (ii) Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; (iii) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động; (iv) Không vì mục tiêu lợi nhuận; (v) Tuân thủ Hiến pháp, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội. Trong đó nguyên tắc (i), (ii), (iii) được giữ nguyên so với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP; nguyên tắc (iv) và (v) có sự thay đổi để bảo đảm toàn diện, chính xác[2].
Thứ năm, về tên gọi, biểu tượng, trụ sở, con dấu và tài khoản của hội: Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định: Hội có các tên gọi khác nhau như hội, hiệp hội, liên đoàn, liên minh, liên hiệp hội, tổng hội, câu lạc bộ và tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội) và đảm bảo điều kiện sau: (i) Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; (ii) Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; (iii) Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; (iv) Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc. So với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, nội dung về tên của hội được quy định bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, cụ thể hơn[3]. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ trụ sở của hội đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng; hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và có thể có biểu tượng (logo) riêng theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, bổ sung chính sách của Nhà nước đối với hội. Đây là quy định mới của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, qua đó góp phần tạo điều kiện cho các hội thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, Nhà nước có các chính sách đối với hội là: (i) Khuyến khích, tạo điều kiện để các hội tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ, tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, dự án, đề tài, đề án và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; (ii) Hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật gắn với nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao theo quy định; (iii) Cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ bảy, bổ sung quy định về cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho hội:  Đây cũng là quy định mới của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cấp có thẩm quyền ở Trung ương giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền ở tỉnh giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp có thẩm quyền ở huyện giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp có thẩm quyền ở xã giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi xã.
Thứ tám, bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu về hội: Đây là quy định để phục vụ chức năng quản lý nhà nước về hội và hoạt động của các hội nhằm lưu trữ và chia sẻ thông tin về các hội. Cơ sở dữ liệu về hội được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ; cơ sở dữ liệu quốc gia khác (như cơ sở dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân cấp huyện) để hỗ trợ giải quyết các thủ tục về hội và quản lý hoạt động của các tổ chức hội theo phân cấp. Thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội bao gồm: (i) Thông tin được xác lập khi ban vận động thành lập hội đề nghị thành lập hội; (ii) Bản sao hoặc bản điện tử được ký số hợp lệ của hồ sơ đề nghị thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ hoặc sửa đổi, bổ sung điều lệ hội; (iii) Một số thông tin về nhân sự ban chấp hành hội hoặc tên gọi khác (sau đây gọi chung là ban chấp hành hội), ban thường vụ hội hoặc tên gọi khác (sau đây gọi chung là ban thường vụ hội); chủ tịch, phó chủ tịch hội; cơ cấu tổ chức, trụ sở, số điện thoại, nhiệm kỳ của hội; (iv) Các báo cáo định kỳ và đột xuất; (v) Thông tin về tài sản, tài chính của hội; (vi) Các thông tin liên quan khác (nếu có). Ngoài ra, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về các nguồn được xác lập của thông tin trong cơ sở dữ liệu về hội; về nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về hội và quản lý, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hội.
Nghị định số 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2024. Nghị định được ban hành góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hội, tạo điều kiện cho tổ chức, công dân Việt Nam thực hiện quyền lập hội, thể hiện đầy đủ quyền công dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh hiện nay./.
Lê Nguyên Thảo – Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định: “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”
[2] Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định nguyên tắc: Không vì mục đích lợi nhuận và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
 
[3] Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định: Tên của hội được viết bằng tiếng Việt, có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; tên, biểu tượng của hội không được trùng lặp, gây nhầm lẫn với tên của hội khác đã được thành lập hợp pháp; không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc”

Xem thêm »