Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ký ban hành, áp dụng từ năm tài chính 2024 đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ.
Nhiệm vụ của Quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác; chi hỗ trợ doanh nghiệp theo đối tượng, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ theo quy định; thực hiện chế độ báo cáo, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và các quy định có liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định số 182/2024/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.
Quyền hạn của Quỹ là tổ chức hoạt động phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động của Quỹ; được thuê các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân khác để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của Quỹ; nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước của Quỹ được gửi tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước. Quỹ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu của Quỹ.
Quỹ chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ hạng mục: Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Về điều kiện hỗ trợ chi phí: Để được hỗ trợ chi phí đầu tư của Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Nghị định quy định doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng một trong các điều kiện như:
(i) Doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm.
(ii) Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỷ đồng/năm.
(iii) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm.
(iv) Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao mà công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP.
(v) Doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu quy định tại Nghị định 182/2024/NĐ-CP nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 5 năm hoạt động tại Việt Nam và hằng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Ngoài các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ theo điều kiện về quy mô vốn đầu tư còn phải đáp ứng hoặc cam kết đáp ứng điều kiện giải ngân vốn đầu tư theo quy định của Nghị định.
Về hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo định mức và tỷ lệ hỗ trợ tối đa 50% chi phí phát sinh trong năm tài chính của dự án và thực tế đã chi cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam. Các khoản chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được hỗ trợ bao gồm: chi đào tạo, bao gồm đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn ở trong nước, nước ngoài; chi hỗ trợ đào tạo; các chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khác; chi phí trả lương cho đội ngũ kỹ sư và cán bộ quản lý người Việt Nam; chi phí triển khai các chương trình đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo doanh nghiệp cho Việt Nam tại các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp.
Về hỗ trợ chi phí đầu tư công trình: Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội theo định mức và tỷ lệ hỗ trợ tối đa 25% đối với các khoản chi phí thực tế phát sinh trong năm tài chính và đã thực tế chi đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội. Công trình hạ tầng xã hội là các công trình phục vụ trực tiếp cho người lao động của doanh nghiệp hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định này, bao gồm: nhà ở xã hội cho công nhân thuê, trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình thể thao.
Về bồi hoàn số tiền đã hỗ trợ: Nghị định quy định các trường hợp doanh nghiệp phải bồi hoàn số tiền đã hỗ trợ chi phí, cụ thể gồm doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí và cam kết theo quy định tại Điều 18 Nghị định; doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định; hạng mục chi phí đã được hỗ trợ từ quỹ khác hoặc hình thức hỗ trợ khác của Chính phủ; giả mạo hồ sơ, sử dụng chứng từ bất hợp pháp, kê khai không chính xác thông tin dẫn đến việc xác định số tiền hỗ trợ chi phí được hưởng cao hơn mức thực tế đáp ứng; doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có dự án thuộc đối tượng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, hạng mục hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu quy định tại mục 2 Chương III Nghị định và các cam kết khác của nhà đầu tư khi đăng ký dự án đầu tư và đề nghị hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu (nếu có).
Về phương thức nộp tiền bồi hoàn, tùy từng trường hợp, Nghị đĩnh quy định phương thức nộp tiền bồi hoàn có thể là hoàn lại toàn bộ số tiền hỗ trợ chi phí đã nhận cộng với khoản tiền lãi tính trên số tiền hỗ trợ chi phí đã nhận với lãi suất bằng bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng công bố tại thời điểm bồi hoàn của 03 Ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước là là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; đồng thời phải chịu mức phạt bằng 10% số tiền hỗ trợ chi phí đã nhận; hoặc là hoàn trả lại số tiền hỗ trợ chênh lệch, cộng với khoản tiền lãi tính trên số tiền chênh lệch phải hoàn trả với lãi suất 0,03%/ngày; đồng thời phải chịu mức phạt bằng 10% số tiền chênh lệch phải hoàn trả…
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật