Quốc hội thảo luận dự án Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Ðê điều

26/10/2006
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 25-10, tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XI các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận các dự án: Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Ðê điều.

Khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ

Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Hồ Ðức Việt trình bày Báo cáo  giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ theo ý kiến đóng góp của QH tại kỳ họp trước. Nhìn chung, nhiều ý kiến đề nghị, dự luật cần quy định rõ hơn chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ ở nước ta trong thời gian tới; đồng thời làm rõ nội dung quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.

Khuyến khích chuyển giao công nghệ, theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) quy định như dự luật (Ðiều 28 và Ðiều 29 - quy định về thủ tục, hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu), là không cần thiết. Bởi hoạt động chuyển giao công nghệ hoàn toàn mang bản chất kinh tế thương mại, những hoạt động diễn ra chung quanh lĩnh vực này sẽ tuân theo quy luật của thị trường. Nếu chúng ta quá nặng về quản lý hoạt động chuyển giao bằng cách buộc các bên chuyển giao phải có các thủ tục như trên, sẽ không khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ, không thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ nước ta vốn đang rất yếu, kém. 

Cũng đề cập nội dung này, song theo đại biểu Phạm Quang Dự (Bà Rịa-Vũng Tàu), coi những quy định đó là khá thông thoáng và lý tưởng. Băn khoăn chỉ ở chỗ: Không biết tính khả thi các quy định đó đến đâu ? Ðại biểu Phạm Quang Dự cũng nhận thấy: Ðiều 5 của dự luật (quy định chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ), vẫn còn một thiếu sót, chưa đề cập chính sách của Nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng, hiểu theo nghĩa rộng và những đòi hỏi khắt khe, nhằm bảo đảm cho hoạt động chuyển giao công nghệ được thực hiện. Cơ sở hạ tầng, nếu không được quan tâm đúng mức, thì hiệu quả của việc chuyển giao công nghệ, nhất là những dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ khó mà thực hiện được.

Ðại biểu này cũng đề nghị đưa vào dự luật chính sách khuyến khích việc chuyển giao công nghệ chế biến dầu khí, bởi dầu khí là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Ðại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) đề nghị, cần mở rộng hình thức chuyển giao công nghệ, thiết kế lại Ðiều 17; theo đó, việc chuyển giao công nghệ được phân thành các loại: Công nghệ đã đưa vào sản xuất, công nghệ đang trong thời kỳ ứng dụng (thực nghiệm), công nghệ dựa trên hợp đồng hợp tác nghiên cứu - chuyển giao, và công nghệ trong quá trình góp vốn đầu tư các dự án.

Từ nhận định, trình độ công nghệ của nước ta khác nhiều so với trình độ công nghệ của thế giới, vì vậy, đại biểu Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự luật chuyển giao công nghệ phải tách bạch rõ ràng giữa chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Như vậy thì chính sách trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ mới phù hợp và phát  huy hiệu quả cao.

Thực hiện tốt công tác  xây dựng, quản lý và bảo vệ đê điều

Buổi chiều,với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu đã nghe đồng chí Hồ Ðức Việt trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðê điều.

Qua thảo luận cho thấy, các ý kiến phát biểu tập trung đóng góp về một số  vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Các đại biểu  Nguyễn Viết Chức (Hà Nội), Nguyễn Văn Dũng (Tiền Giang), Lê Văn Ðiệt  (Vĩnh Long) đề nghị, nên phân cấp quản lý đê theo hướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đê cấp đặc biệt, đê cấp I, II, III và giao UBND cấp tỉnh quản lý đê cấp IV, V và đê khác, đồng thời làm rõ tiêu chí phân cấp đê (quy mô, diện tích, dân số,...)  để đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Cần bổ sung một số nguyên tắc quan trọng đối với hoạt động trong lĩnh vực đê điều theo hướng bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất và bảo đảm khả năng thoát lũ,  nhằm bảo đảm hiệu quả tổng hợp, toàn diện về phòng, chống lũ và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ,  cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp.

Quy định Chủ tịch UBND các cấp là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề đê điều của địa phương và có chính sách ưu tiên đối với loại đê đặc biệt, đê biển, đê sông; từng bước hiện đại hóa hệ thống đê điều của nước ta để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai. Một số  đại biểu  đề nghị cần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để kiên cố hóa đê điều kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và có chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ, lụt. Khuyến khích đầu tư và bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm  được quy định tại Ðiều 7, nhiều đại biểu đề nghị  bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho đê điều, cản trở hoạt động xây dựng, tu bổ đê điều, xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, lòng sông; khai thác cát, sỏi dưới lòng sông nếu chưa được phép hoặc không đúng giấy phép do UBND tỉnh cấp hoặc ở ngoài vùng quy hoạch làm ảnh hưởng công trình thủy lợi; xây dựng công trình trên sông làm ảnh hưởng dòng chảy, gây xói lở; đào ao sát hành lang chân đê...

Các đại biểu: Trần Ðắc Sửu (Hải Phòng), Nguyễn Thị Hải (Phú Thọ), Nguyễn Viết Chức (Hà Nội), đề nghị hành lang bảo vệ đê điều được xác định trên cơ sở kết quả tính toán, kiểm tra sự ổn định về thấm, trượt, lún; trên cơ sở điều kiện địa hình, địa chất cụ thể của từng khu vực và điều kiện bảo đảm cho công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sự cố, hộ đê, quản lý đê. Ðồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định hành lang bảo vệ đê trong luật này không được "vênh" so với Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được QH thông qua trước đây.

Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Nông), đề nghị bổ sung quy định về việc xây dựng các cụm dân cư, tuyến dân cư sát với đê bao kết hợp làm đường giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long. Quy định rõ trong luật  UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa. Ðối với số nhà cửa, công trình đã xây dựng trái với quy định của Pháp lệnh đê điều năm 2000, các đại biểu đề nghị phải có biện pháp  buộc phải di dời; đồng thời phải đình chỉ việc xây dựng mới, sửa chữa, cơi nới tại các khu dân cư hiện tại; có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định và tổ chức di dời, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sống ở ngoài đê và kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch xây dựng dự án đầu tư và quy định số lượng dân cư sống trong bãi sông. Việc xử lý nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông cần có sự phân biệt giữa đê của sông đi qua đô thị và đê của sông đi qua các vùng khác.

 Các đại biểu Phạm Thị Minh Hà (Nam Ðịnh), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Trần Thị Mai Phương (Long An), Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) đề nghị xem xét lại quy định lực lượng chuyên trách quản lý đê điều có nhiệm vụ tổ chức xử lý giờ đầu các sự cố đê điều là không khả thi vì trên thực tế lực lượng này còn mỏng, số lượng ít, trong khi khối lượng công việc nhiều, đặc biệt là ở những tỉnh có diện tích, chiều dài đê lớn. Hơn nữa, một số nhiệm vụ nên giao cho lực lượng quản lý đê nhân dân, thì hợp lý hơn, nhằm bảo đảm  tính khả thi của Luật. Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ  trách nhiệm quản lý nhà nước về đê điều của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân...

Ngày 26-10, QH tiếp tục làm việc tại hội trường.

(Theo Nhân dân)

Xem thêm »