Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, đề xuất nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả

03/09/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trên cơ sở hướng dẫn, định hướng của Bộ Tư pháp về rà soát mô hình điểm phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại cơ sở, vừa qua ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã rà soát, đánh giá, lựa chọn và đề xuất các mô hình PBGDPL về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiệu quả.

Thứ nhất, PBGDPL thông qua Livestream qua mạng xã hội: Cơ quan BHXH tổ chức livestream phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN qua Fanpage trên facebook. Hình thức này có nhiều hiệu quả rõ rệt khi cơ quan BHXH tương tác trực tiếp với người xem. Người xem có thể trực tiếp đặt những câu hỏi, thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT, BHTN mà mình đang quan tâm và được cán bộ đang livestream trả lời ngay. Thông qua việc tương tác, cơ quan BHXH có thể nắm bắt được tâm lý và mong muốn của người xem để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ của Ngành, kiến nghị, hoàn thiện cơ chế chính sách về BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, người xem được tiếp cận, hiểu chính sách về BHXH, BHYT, BHTN từ đó nâng cao được ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Ưu thế của mô hình này là tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội là sự chia sẻ, lan toả thông tin nhanh chóng, phổ biến rộng rãi nhất đến số đông đối tượng; qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân về các chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước. Mô hình này đã, đang triển khai tại một số BHXH thành phố trực thuộc Trung ương và có thể được nhân rộng.
Thứ hai, PBGDPL thông qua nhóm tuyên truyền trực tiếp: Cơ quan BHXH thành lập các nhóm nhỏ (02 người) “đi từng ngõ, gõ từng nhà’ để tuyên truyền, tư vấn chính sách BHXH tự nguyện giúp người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia. Thời gian thực hiện: duy trì thường xuyên vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Đây là hình thức triển khai linh hoạt, hiệu quả, sát dân, tiếp cận trực tiếp, tư vấn cụ thể theo hoàn cảnh, đặc điểm của từng người dân (tuổi đời, thời gian tiếp xúc, khả năng kinh tế). Việc phổ biến chính sách pháp luật của Nhóm với phương châm kiên trì, “mưa dầm thấm lâu, đi sâu, tư vấn sát” đã giúp người dân hiểu và tự giác tham gia BHXH tự nguyện; góp phần hiệu quả cho việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của ngành BHXH Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng chuyên mục “Mỗi ngày một câu hỏi chính sách” trên mạng xã hội: Cơ quan BHXH thiết kế các câu hỏi, tình huống liên quan đến câu hỏi chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN (gắn với chính sách, quy định mới, những điều cần biết, những điều dư luận xã hội đang quan tâm) và tự giải đáp nhằm cung cấp các thông tin cần thiết đến với người lao động, đơn vị sử dụng lao động, người dân. Những nội dung này được đăng tải trên mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... Mô hình thực sự hiệu quả khi cơ quan BHXH cung cấp thông tin chính sách BHXH, BHYT, BHTN ngắn gọn, dễ hiểu về các vấn đề người lao động, người sử dụng lao động chưa hiểu rõ; những vấn đề đang được dư luận quan tâm, những vấn đề cần định hướng dư luận; đồng thời tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội là sự chia sẻ, lan toả thông tin nhanh chóng, phổ biến rộng rãi nhất đến số đông đối tượng; qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân về các chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, PBGDPL thông qua các tiểu phẩm truyền thông: Cơ quan BHXH phối hợp với Đài Truyền hình xây dựng thực hiện các tiểu phẩm truyền thông về chính sách BHXH, BHTN, BHYT, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT HSSV… với các tên gọi, nội dung từng tiểu phẩm đơn giản, dễ hiểu[1] và được  phát sóng phù hợp với từng thời điểm, mang lại hiệu quả truyền thông cao nhất. Chẳng hạn vào dịp Tháng Thanh niên (tháng 3/2024) phát sóng chuyên đề BHXH với nội dung về “Vai trò của thanh niên với chính sách An sinh xã hội" đã được các bạn đoàn viên, thanh viên theo dõi và tích cực chia sẻ thông tin; Tháng BHXH toàn dân (tháng 5), các chương trình tập trung tăng tần suất, số lượng phát sóng, nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của chế độ chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, tầm quan trọng của việc tuổi già có lương hưu, được chăm sóc y tế hướng tới BHXH toàn dân.
Hình thức PBGDPL này có hiệu quả khi phát sóng đã thu hút đông đảo, nhận được phản hồi tích cực từ người xem, không chỉ người dân trên địa bàn mà lan tỏa đến các tỉnh, thành khác trong cả nước. Đồng thời, mô hình này tiếp tục được đăng tải trên Fanpage của cơ quan BHXH và của các Sở, ngành thành phố; góp phần làm thay đổi nhận thức pháp luật của nhân dân, người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn. Mô hình này có tính bền vững có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài; có thể được nhân rộng ở các địa bàn khác trên cả nước và hướng đến nhiều đối tượng xem đài: học sinh, sinh viên, người lao động tự do, tài xế công nghệ, người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, doanh nghiệp… (Hiện BHXH thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố thực hiện các tiểu phẩm truyền thông “Những câu chuyện an sinh” được phát hàng tuần vào 4 lúc 20 giờ 50 phút ngày Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV9; phát lại vào 06 giờ 45 phút Chủ nhật kế tiếp trên kênh HTVC).
Thứ năm, PBGDPL thông qua “Chuyến xe An sinh”: Cơ quan BHXH tổ chức một chuyến xe buýt chở người lao động là những người đã và chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo một hành trình định sẵn. Thành phần tham gia hành trình xe: 15 người. Người tham gia lên xe tại điểm xuất phát. Chuyến xe sẽ đi qua các tuyến đường chính trên địa bàn. Trên chuyến xe sẽ tổ chức trò chơi bằng cách người dẫn chương trình đưa ra các câu hỏi liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để người lao động trả lời. Người trả lời sai sẽ phải xuống xe tại điểm dừng gần nhất.Tại mỗi điểm dừng xe cơ quan BHXH sẽ phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu tổ chức tuyên truyền tập trung, giải thích câu hỏi cho người chơi và tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân trên địa bàn tại điểm đó. Người trả lời đúng tiếp tục cuộc hành trình đến điểm cuối. Đến điểm cuối cùng (quay về điểm xuất phát ban đầu) người trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất là người thắng trong cuộc hành trình.
Chương trình “Chuyến xe An sinh” được tổ chức dưới hình thức trò chơi truyền hình, cách tiếp nhận thông tin qua chương trình trở nên mềm mại, hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Việc tham gia “Chuyến xe an sinh” giúp người dân nâng cao nhận thức về
các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác
BHXH, BHYT trong tình hình mới. Qua đó thuyết phục, vận động nhân dân nâng
cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia BHXH, BHYT, góp phần vào
sự nghiệp an sinh xã hội. Chương trình “Chuyến xe an sinh” tạo ra cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với người dân về các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, đồng thời thúc đẩy ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện đảm bảo cho tương lai và cuộc sống khi về già. Trên chặng hành trình của xe, các băng rôn tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT được dán ngoài xe đã thu hút sự chú ý của người dân, là hình thức truyền thông trực quan hiệu quả./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] như: “Quyền lợi khi tham gia BHYT từ 05 năm liên tục”; “Tham gia BHXH khi người lao động giao kết đồng thời từ 2 hợp đồng lao động trở lên”; “Điều kiện hưởng BHTN"; “Thay thế thẻ BHYT bằng giấy khi đi khám chữa bệnh”; “Chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về”; “Đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu”; “Chế độ thai sản cho nam khi vợ sinh con”,…

Xem thêm »