Một số mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả

12/09/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên cả nước được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo được hiệu ứng và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân. Để tăng cường hiệu quả công tác này, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã chú trọng xây dựng, triển khai một số mô hình, cách làm mới, sáng tạo về PBGDPL phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu thực tiễn. Trong số đó, có mô hình “Diễn đàn tư vấn pháp luật” hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức tại Nhà Văn hóa xã được triển khai tại tỉnh Bình Thuận.

Mô hình do Phòng Tư pháp phối hợp với Huyện đoàn và các Xã đoàn tổ chức thực hiện, với sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên, học sinh. Diễn đàn tư vấn pháp luật gồm 02 phần: Kịch diễn đàn về pháp luật, Tọa đàm và tư vấn pháp luật.
Trong Phần 1 - Kịch diễn đàn về pháp luật, mỗi Xã đoàn thành lập 01 đội chơi có đầu tư trang phục, đạo cụ… để tình huống chân thật và sinh động và chuẩn bị 01 tình huống pháp luật với các chủ đề như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy, sử dụng mạng xã hội và bạo lực học đường và chuẩn bị phần nội dung thử thách cho người chơi của đội bạn tham gia giải quyết tình huống. Đồng thời, chọn cử 01 thành viên tham gia đóng vai người cán bộ Đoàn đến tuyên truyền, vận động hoặc giải quyết tình huống do các đội bạn đưa ra (Mỗi đội sẽ được Huyện đoàn chỉ định tham gia giải quyết tình huống của 01 đội chơi khác). Thời gian diễn tình huống pháp luật tối đa 10 phút/01 tình huống. Thời gian xử lý, giải quyết tình huống tối đa 07 phút/01 đội. Trong quá trình diễn tình huống và xử lý, giải quyết tình huống, nếu thấy diễn đạt hoặc hết giờ, thì Ban Giám khảo quyết định cho kết thúc nội dung.
Trong Phần 2 - Tọa đàm và tư vấn pháp luật, sau khi kết thúc phần kịch diễn đàn về pháp luật, Ban Tư vấn pháp luật (Thành phần gồm đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp, Hội Luật gia, Huyện đoàn, UBND xã) sẽ tổng kết và nêu các quy định pháp luật điều chỉnh tình huống, đồng thời đưa ra các giải pháp, những lời khuyên bổ ích, cũng như giới thiệu các kỹ năng xử lý tình huống…đồng thời, đặt ra một số câu hỏi để đoàn viên, thanh niên trao đổi, trả lời. Các đoàn viên thanh niên, học sinh có thể đặt các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực pháp luật mà các em đang quan tâm (kể cả những nội dung nằm ngoài các tình huống kịch Tiểu phẩm) để được Ban Tư vấn pháp luật giải đáp và tham gia trả lời các câu hỏi do Ban Tư vấn pháp luật đặt ra. Tổng kết Ban Tổ chức chương trình sẽ trao giải thưởng gồm có: 01 Giải nhất, 01 Giải nhì, 01 Giải ba và tặng quà cho những bạn đoàn viên thanh niên, học sinh có những câu hỏi hay và câu trả lời đúng.
 “Diễn đàn tư vấn pháp luật” là “sân chơi” thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, học sinh tích cực hưởng ứng tham gia, qua đó giúp các em tiếp thu kiến thức pháp luật một cách tự nhiên, gần gũi, đời thường, dễ hiểu, dễ nhớ, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu vi phạm pháp luật, các hành vi lệch chuẩn xã hội để trở thành những công dân có ích cho xã hội và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong bối cảnh tình hình vi phạm pháp luật trong đoàn viên thanh niên có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Bên cạnh mô hình trên, qua theo dõi cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai có hiệu quả mô hình “Câu lạc bộ pháp luật với thể thao”. Theo đó, mỗi thôn thành lập một câu lạc bộ để thi tìm hiểu pháp luật gắn với thi đấu thể thao môn bóng chuyền hơi nam, nữ. Mỗi câu lạc bộ có khoảng 30 thành viên là người dân sinh sống tại các thôn; các câu lạc bộ có quy chế hoạt động, có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm. Định kỳ hằng tháng, UBND xã tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật kết hợp với thi đấu bóng chuyền hơi với thời gian thi từ 01đến 02 ngày. Các câu lạc bộ cử đội tham gia thi đấu bóng chuyền hơi kết hợp trả lời câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật có tính điểm. Kết thúc cuộc thi, UBND xã trao giải thưởng cho đội đạt giải.
Mô hình được triển khai với chi phí ít, thực hiện bằng nguồn kinh phí PBGDPL hằng năm của đơn vị và huy động từ sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Mô hình được duy trì thực hiện tại xã Thanh Vận từ năm 2018.
Mô hình “Câu lạc bộ pháp luật với thể thao” có sức lan tỏa, thu hút đông đảo người dân tham gia và cổ vũ, chi phí tổ chức không cao, có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài. Chủ thể thực hiện chuyển tải được nhiều nội dung văn bản pháp luật; người tham gia thi phải tìm hiểu quy định pháp luật để trả lời câu hỏi.
Mô hình “Câu lạc bộ pháp luật với thể thao” là sân chơi để Nhân dân vừa nâng cao hiểu biết pháp luật, vừa giải trí, rèn luyện sức khỏe. Việc duy trì hoạt động của câu lạc bộ góp phần thực hiện phong trào “khỏe để xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân; đồng thời tiếp tục thực hiện hoàn thành tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí số 19 về Quốc phòng - an ninh đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »