Ngày 25/7/2008, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiển đã ký Quyết định số 41/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, thay thế cho Quyết định số 1447/1994/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/6/1994. Quy chế này quy định tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục, bao gồm: Thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động, giải thể nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; Cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động; Tài chính, tài sản; Giáo viên, nhân viên và trẻ em; Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Quy chế này.
1. Điều kiện thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục
Nhà trường, nhà trẻ tư thục được Uỷ ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập khi bảo đảm các điều kiện sau:
- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đi học;
- Có từ ba nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và có không quá 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo;
- Có đủ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên theo tiêu chuẩn;
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định.
2. Hồ sơ thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục
Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục gồm:
- Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục.
- Tờ trình về Đề án thành lập, cơ cấu tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ tư thục.
- Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động nội bộ của nhà trường, nhà trẻ tư thục, bản cam kết đảm bảo an toàn và thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Ý kiến bằng văn bản của phòng giáo dục và đào tạo về việc cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục.
- Báo cáo giải trình của tổ chức, cá nhân xin thành lập trường về việc tiếp thu ý kiến của phòng giáo dục và đào tạo và báo cáo thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (nếu có).
- Bản cam kết trong thời gian không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập sẽ xây dựng xong trường, lớp và đầu tư trang thiết bị đảm bảo quy mô, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Đề án thành lập.
- Văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền về khả năng tài chính và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động của trường; quyền sử dụng đất hoặc giao đất. Nếu là thuê địa điểm, thuê nhà, thuê đất thì phải có giấy tờ thuê phù hợp với pháp luật hiện hành.
3. Thủ tục thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục
- Phòng giáo dục và đào tạo nhận hồ sơ, xem xét các điều kiện theo quy định trên. Sau khi xem xét, Phòng giáo dục và đào tạo có ý kiến bằng văn bản và gửi hồ sơ xin thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
- Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục theo quy định. Trường hợp không cho phép thành lập, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo lý do và hướng giải quyết cho Phòng giáo dục và đào tạo. Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, trả lời tổ chức hoặc cá nhân xin mở trường.
4. Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên
Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục phải có đủ tiêu chuẩn sau:
Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận hoặc miễn nhiệm theo đề nghị của phòng giáo dục và đào tạo, khi được đề cử không quá 65 tuổi. Nhiệm kỳ của Hiệu trưởng là 5 năm. Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:
- Có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên;
- Chấp hành đúng chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước;
- Có uy tín về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, có sức khoẻ tốt, đủ năng lực tổ chức, quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao, có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.
Giáo viên, nhân viên phải có đủ tiêu chuẩn sau:
- Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
- Có phẩm chất, đạo đức tốt, thương yêu và tôn trọng trẻ em;
- Sức khoẻ tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm;
- Giáo viên mầm non phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non, đối với những người có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm khác, phải có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm mầm non ít nhất là 30 ngày. Nhân viên y tế, kế toán có bằng trung cấp theo chuyên môn được giao;
- Đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ dân tộc thiểu số, người nuôi dạy trẻ phải nói tiếng Việt và có khả năng giao tiếp với trẻ bằng tiếng dân tộc;
- Đối với những nơi khó khăn, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được thành lập có thể chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn giáo dục mầm non tối thiểu 3 tháng do cơ quan quản lý giáo dục địa phương tổ chức. Điều đó phải được ghi cụ thể trong hồ sơ xin thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
5. Những hành vi giáo viên và nhân viên không được làm
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em và đồng nghiệp.
- Xuyên tạc nội dung giáo dục.
- Đối xử không công bằng với trẻ em.
- Bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, làm việc riêng khi đang tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
- Giáo viên không được bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén chương trình nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục.
- Có biểu hiện tiêu cực trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
6. Chế độ tài chính
Nhà trường, nhà trẻ tư thục hoạt động trên nguyên tắc tự cân đối thu chi, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành; Thực hiện chế độ quản lý tài chính, chế độ kế toán, thống kê và chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối với các đơn vị ngoài công lập trong lĩnh vực giáo dục.
Ngoài những nội dung cơ bản trên, trong Quy chế còn quy định về điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; Cơ cấu tổ chức và quản lý hoạt động của Nhà trường, nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; Quan hệ giữa nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục với gia đình và xã hội; Huy động vốn, chế độ thu, chi, quản lý và sử dụng tài chính; Yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục..../.
Hải Yến