Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường không để tăng giá bất hợp lý

04/08/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 3/8/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 1245/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay một số biện pháp bình ổn giá cả.

Công điện nêu rõ, tại thời điểm này, thị trường trong nước đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, tiền tệ, tín dụng và tỷ giá diễn biến theo hướng ổn định dần; xuất khẩu tăng trưởng khá, nhập siêu từng bước được kiểm soát; sản xuất, dịch vụ tiếp tục tăng; dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ chủ trương cũng như các giải pháp điều hành kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

          Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, phức tạp và khó lường, đặc biệt là diễn biến giá cả, thị trường trong nước. Một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ, không chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để nâng giá quá mức đối với một số loại hàng hoá, nhất là giá vận tải taxi, phân bón, sữa, thuốc chữa bệnh,... vừa làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân, vừa tạo ra tâm lý đua tranh tăng giá, là nguyên nhân trực tiếp làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng tới.

          Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng nêu trên, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc tuân thủ các quy định về kiểm tra, kiểm soát giá ở thị trường trong nước ngày càng nghiêm túc, minh bạch hơn, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá tiêu dùng, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong năm 2008, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

          Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

          - Tiếp tục tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã nêu tại Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2008 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt để thu lợi bất chính;

          - Khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể, phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, xử lý nghiêm các vi phạm của mọi tổ chức, cá nhân; đồng thời, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính tiến độ và kết quả thực hiện (trước ngày 20 hàng tháng) để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ hàng tháng;

          - Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất thiết không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tuỳ tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số hàng hoá đến hết năm 2008 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: giá điện, than, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt công cộng; việc điều chỉnh giá bán của một số hàng hoá khác phải bảo đảm nguyên tắc: chỉ được điều chỉnh giá bán ở mức hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, sau khi đã áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí (kể cả việc chấp nhận giảm lãi nếu có) để giảm thiểu tác động bất lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh;

          - Xử phạt kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như: rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật để kịp thời xử lý các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn; cần tập trung kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải, nhất là vận tải taxi, không để xảy ra việc lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu để tăng giá cước vận tải quá mức, bất hợp lý;

          Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế

           Tổ chức các đoàn kiểm tra chi phí và giá bán các loại hàng hoá, dịch vụ đang có xu hướng tăng giá, trước mắt tập trung vào các mặt hàng như: Phân bón, thuốc chữa bệnh, vận tải, taxi, sữa,... tại các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...

           Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước

          Chủ động thực hiện các giải pháp hạn chế tăng giá hàng hoá như: tiết kiệm giảm chi phí, chấp nhận giảm lãi để chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát; trường hợp tăng giá bán hàng hoá, phải có giải trình và được sự chấp thuận của Bộ chủ quản và Bộ quản lý chức năng có liên quan về căn cứ và lộ trình  tăng giá đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gương mẫu, đi đầu trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý giá cả, thị trường; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia vào việc bình ổn giá cả, thị trường theo sự chỉ đạo của Chính phủ ./.

Hải Yến

Xem thêm »