Ngày 11/4/2025, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 19/2025/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ; cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm; cán bộ đang tham gia cấp ủy ở các đảng bộ phải kết thúc hoạt động theo quy định tại Điều 7, 8, 9, 10, 11 và Điều 14 Nghị định 178/2024/NĐ-CP; các khoản 5, 6, 7, 8, 9, 10 và khoản 11 Điều 1
Nghị định 67/2025/NĐ-CP được hưởng các chính sách được quy định tại Thông tư này. Cụ thể là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý; Công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý; Người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; Lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Thông tư quy định thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cơ quan, đơn vị là thời điểm quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành. Đồng thời cách các định để tính hưởng chính sách, chế độ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên và từ tháng thứ 13 trở đi.
Theo đó,
đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này nghỉ hưu trước tuổi (kể cả các trường hợp không nghỉ chuẩn bị hưu, nghỉ chuẩn bị hưu không hết thời gian theo quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng) hoặc phục viên hoặc thôi việc mà thời gian bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng hoặc phục viên hoặc thôi việc ghi trong quyết định của cấp có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy hướng dẫn tại khoản 1 Điều này có hiệu lực thi hành thì được tính hưởng chính sách, chế độ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên. Trường hợp thời gian bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng hoặc phục viên hoặc thôi việc sau thời hạn 12 tháng nêu trên thì tính hưởng chính sách, chế độ từ tháng thứ 13 trở đi.
Đối với đối tượng không chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ. Từ ngày 15 tháng 3 năm 2025 trở đi, đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này nghỉ hưu trước tuổi (kể cả các trường hợp không nghỉ chuẩn bị hưu, nghỉ chuẩn bị hưu không hết thời gian theo quy định hiện hành của Bộ Quốc phòng) mà thời gian bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng ghi trong quyết định của cấp có thẩm quyền trong thời hạn từ ngày 15 tháng 3 năm 2025 đến ngày 14 tháng 3 năm 2026 thì được tính hưởng chính sách, chế độ trong thời hạn 12 tháng đầu tiên. Trường hợp thời gian bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng từ ngày 15 tháng 3 năm 2026 trở đi thì tính hưởng chính sách, chế độ từ tháng thứ 13 trở đi.
Tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ khi nghỉ hưu trước tuổi hoặc phục viên hoặc thôi việc gồm: Tiền lương theo cấp bậc quân hàm, loại, nhóm, ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động; các khoản phụ cấp lương (nếu có); gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp công vụ; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và hệ số chênh lệch bảo lưu lương theo quy định của pháp luật về tiền lương tại thời điểm tháng liền kề trước tháng nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng hoặc phục viên hoặc thôi việc.
C
ách xác định thời gian và hạn tuổi để tính hưởng chính sách, chế độ được quy định như sau: Số tháng nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm là số tháng tính từ tháng hưởng lương hưu hằng tháng theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hạn tuổi hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều 5 Thông tư này; tối đa không quá 60 tháng. Số năm nghỉ hưu trước tuổi để tính hưởng trợ cấp cho số năm nghỉ sớm là số năm được tính từ tháng hưởng lương hưu hằng tháng theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hạn tuổi hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 5 Điều Thông tư này; nếu có số tháng lẻ thì được làm tròn theo nguyên tắc: từ 01 tháng đến đủ 06 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 01 năm.
Thời gian để tính hưởng trợ cấp phục viên, trợ cấp thôi việc hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 11 và điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; tối đa không quá 60 tháng. Thời gian để tính hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hướng dẫn tại điểm b, điểm c khoản 1, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 6; điểm b khoản 1 Điều 10, điểm b khoản 1 Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.
Thông tư quy định chính sách và trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện như sau: Được hưởng lương hưu theo tỷ lệ % tương ứng với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước so với tuổi quy định.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý