Những điểm mới trong chính sách trợ giúp pháp lý kể từ ngày đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp

03/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Từ ngày 01/7/2025, nhiều quy định mới về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền sẽ có hiệu lực pháp luật. Là đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Cục PBGDPL&TGPL) Lê Vệ Quốc đã có những chia sẻ về những điểm mới của chính sách trợ giúp pháp lý từ thời khắc quan trọng 01/7/2025.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc

Phân cấp, phân quyền trong trợ giúp pháp lý: Nâng cao hiệu quả và tính chủ động cho địa phương

PV: Thưa ông, trong bối cảnh Ngành Tư pháp đang tập trung thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp, xin ông cho biết Cục PBGDPL&TGPL đã có những đề xuất cụ thể nào để thực hiện chủ trương này trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý?

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL: Để triển khai hiệu quả chủ trương phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã ban hành một số VBQPPL cụ thể hóa chủ trương này trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp. Ví dụ như Nghị định số 120/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền, Nghị định số 121/2025/NĐ-CP về phân quyền, phân cấp; Thông tư số 08/2025/TT-BTP ngày 11/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp và phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Thông tư số 11/2025/TT-BTP ngày 25/6/2025 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp…

Trong bối cảnh đó, Cục PBGDPL&TGPL đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ rà soát và tham mưu xây dựng các VBQPPL điều chỉnh về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Chúng tôi đã đề xuất và đã được chấp thuận giao cho địa phương thực hiện một số hoạt động kể từ ngày 01/7/2025 như: hoạt động tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; xác nhận vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công; cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý… Nói cách khác, kể từ ngày 01/7/2025, các hoạt động sau đây sẽ không thực hiện ở trung ương mà giao cho địa phương thực hiện:
 
Thứ nhất, Về tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý: Nghị định số 121/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức việc thực hiện thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc này theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 09/2025/TT-BTP ngày 16/6/2025.
 
Thứ hai, Về xác nhận vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công: chuyển thẩm quyền xác nhận vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công từ Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho Sở Tư pháp thực hiện theo quy định của Thông tư số 11/2025/TT-BTP ngày 24/6/2025 của Bộ Tư pháp. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý không thực hiện xác nhận vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các trợ giúp viên pháp lý nhà nước mà việc này sẽ do Sở Tư pháp thực hiện.
 
Thứ ba, Về cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý: chuyển thẩm quyền này cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Sở Tư pháp giúp Chủ tịch UBND thực hiện. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2025, Cục PBGDPL&TGPL không thực hiện cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Các địa phương chủ động in ấn theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành tại Thông tư số 08/2017/TT-BTP (Mẫu TP-TGPL -08 và Mẫu TP-TGPL -09).
 
Sáp nhập tỉnh và những hướng dẫn bảo đảm trợ giúp pháp lý thông suốt

PV: Thưa ông, việc thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, giảm số lượng đơn vị hành chính từ 63 xuống còn 34, đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý nhà nước, trong đó có lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Trong bối cảnh đó, xin ông cho biết, Bộ Tư pháp (cụ thể là Cục PBGDPL&TGPL) đã có những hướng dẫn gì về tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước để bảo đảm công tác trợ giúp pháp lý tại các địa phương được thông suốt, không bị gián đoạn ngay cả sau khi sáp nhập?       
   
Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL:Theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương. Trung tâm TGPL là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, do UBND cấp tỉnh thành lập.

Việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, giảm từ 63 tỉnh/thành phố xuống còn 34 đơn vị hành chính, có nghĩa là kể từ ngày 01/7/2025, một số tỉnh, thành phố sẽ được hợp nhất từ 2 đến 3 tỉnh/thành phố trước đây. Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Ninh Bình hay tỉnh Phú Thọ... Điều này dẫn đến địa bàn tỉnh mới có quy mô rộng lớn hơn rất nhiều, cả về diện tích tự nhiên, dân số và sự đa dạng về điều kiện địa lý, giao thông đi lại... Trong khi đó, trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ công thiết yếu của nhà nước, mang tính đặc thù nghề nghiệp cao, đòi hỏi phải gần dân, nhất là các nhóm yếu thế, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, trợ giúp pháp lý phải phối hợp kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Vì vậy, để giúp cho công tác trợ giúp pháp lý triển khai một cách thông suốt, không bị gián đoạn, Cục PBGDPL&TGPL đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 1866/BTP-PLHSHC ngày 09/4/2025 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có lĩnh vực trợ giúp pháp lý, khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý và điều kiện thực tiễn của địa phương để quyết định số lượng Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm. Đây được xem là một động thái quan trọng nhằm tăng cường tính chủ động, tự quyết của chính quyền địa phương trong việc tổ chức công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương.

Cục PBGDPL&TGPL cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ sát sao các địa phương trong suốt quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.

Hướng tới dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong trợ giúp pháp lý

PV: Thưa ông, được biết Cục PBGDPL&TGPL đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới cách giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính?

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL:Đúng vậy. Thời gian qua, với tinh thần đẩy mạnh cải cách TTHC, lấy người dân làm trung tâm, Cục PBGDPL&TGPL đã phối hợp với các đơn vị rà soát các quy định của pháp luật, cắt giảm và đơn giản hóa các TTHC trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý trên môi trường điện tử, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. 

Hiện tại, lĩnh vực trợ giúp pháp lý có 12 thủ tục hành chính đã được công bố công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ví dụ như: thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; thủ tục thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý; thủ tục tút yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục giải quyết khiếu nại về trợ giúp pháp lý; các thủ tục cấp và cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý; các thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với Luật sư, với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; các thủ tục đăng ký tham gia và chấm dứt tham gia trợ giúp pháp lý…  

Cục PBGDPL&TGPL đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, hướng dẫn để bảo đảm các TTHC đủ điều kiện sẽ được thực hiện trực tuyến toàn trình theo đúng quy định. Điều này có nghĩa là từ việc nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ và nhận kết quả đều được thực hiện trực tuyến, thay vì phải đến cơ quan nhà nước để thực hiện các bước thủ công như trước đây. Tuy nhiên, để đạt được điều này, chúng ta cần phải có một hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đảm bảo sự kết nối liên thông giữa các cơ quan, tổ chức và quan trọng là cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị.  

Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước cùng với sự quyết tâm, cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ngành Tư pháp, chúng ta sẽ thực hiện tốt mục tiêu đề ra, bảo đảm 100% TTHC trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý được thực hiện trực tuyến toàn trình trên môi trường mạng trong năm 2025. Việc này không chỉ tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và tổ chức mà quan trọng là trợ giúp pháp lý góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và phục vụ nhân dân.
   Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!
D.H – V.H
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »