Chuyển đổi số quốc gia - đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội bền vững

28/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang bứt phá mạnh mẽ, tạo đà phát triển bền vững cho đất nước, yêu cầu đặt ra là cần có sự liên thông, đồng bộ giữa các khối cơ quan trong hệ thống chính trị, đồng thời đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 01/7/2025 càng đặt ra yêu cầu phải hoàn thành hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin kịp thời, toàn diện.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Khẩn trương triển khai Kế hoạch 02-KH/BCĐTW
Trước yêu cầu đó, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW). Ngay sau đó, hàng loạt văn bản như Sổ tay hướng dẫn triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW, danh mục thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, đôn đốc, hướng dẫn triển khai Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã đã được gửi tới các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc và hướng dẫn triển khai thực hiện.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 96/CĐ-TTg ngày 26/6/2025 về tập trung hoàn thành nâng cấp, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch đã cơ bản hoàn thành.
Hạ tầng số - hoàn thiện từ Trung ương đến cấp xã
Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối từ Trung ương đến cấp xã. Đến nay, đã được kết nối tới 3.319 xã, phường. Hệ thống bảo mật, mã hoá văn bản “mật” đã, đang triển khai từ cấp tỉnh xuống cấp xã. Đến nay, các tỉnh đã hoàn thành hạ tầng DC/Cloud phục vụ cài đặt, vận hành các hệ thống thông tin, kết nối mạng cho Trung tâm phục vụ hành chính công.
Một bước tiến lớn là thử nghiệm thành công giải pháp bảo mật Adapter-M giúp liên thông văn bản mật giữa mạng thông tin diện rộng của Đảng và mạng CPNet qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Hạ tầng điện toán đám mây đang được các cơ quan nghiên cứu nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng.
Dữ liệu số - đẩy mạnh phát triển
Hiện có 41 Trung tâm dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, doanh nghiệp đã được triển khai. Triển khai phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc với 12.106 trạm 5G, hơn 26% dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ 5G, dự kiến đến cuối 2025 đạt gần 69.000 trạm 5G, bao phủ 90% dân số. Tuy nhiên, còn 355 thôn “lõm sóng”, trong đó 349 thôn ở khu vực đặc biệt khó khăn.
Về cơ sở dữ liệu, có 09/10 cơ sở dữ liệu quốc gia đang được triển khai, trong đó 05 cơ sở dữ liệu quốc gia đã hoàn thành. Các Bộ, cơ quan ban hành văn bản phục vụ công tác số hóa hồ sơ, tài liệu.
Nền tảng, ứng dụng số - hoàn thiện nhiều hệ thống quan trọng
Các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp sau sáp nhập đang được hoàn thiện nhanh chóng, cụ thể 27 tỉnh, thành phố hoàn thành cấu hình các thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh; 33 tỉnh, thành phố đã kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Văn phòng Trung ương Đảng đã đưa vào sử dụng một số ứng dụng dùng chung trong các cơ quan đảng từ Trung ương đến địa phương. Đảng uỷ Quốc hội chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động của Quốc hội.
An toàn bảo mật thông tin - đồng bộ từ trung ương tới cấp xã
Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phát đầy đủ các thiết bị bảo mật cơ yếu đến cấp tỉnh, cấp xã để phục vụ chính quyền địa phương 02 cấp, triển khai các giải pháp bảo mật dữ liệu và bảo mật kênh truyền. Đảng uỷ khối cơ quan Trung ương, địa phương đã đảm bảo gửi, nhận văn bản “mật” thông suốt, đúng quy trình bảo mật.
Dịch vụ công trực tuyến và thủ tục hành chính - đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp
Tính đến ngày 28/6/2025, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ  quan là 5.840 thủ tục hành chính đã được công bố, trong đó 2.370  thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh và 420 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã. Tất cả đã được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, Văn phòng Trung ương Đảng, Thành uỷ Hà Nội và Văn phòng Chính phủ đã triển khai thí điểm 04 thủ tục trực tuyến của Đảng trên Cổng dịch vụ công quốc gia - cho thấy sự mở rộng không gian số tới các hoạt động nội bộ trong hệ thống chính trị.
Hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu
Các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã ứng dụng công tác chỉ đạo, điều hành, quản trị dựa trên dữ liệu, thông qua các phần mềm xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, theo dõi nhiệm vụ, họp điều hành trực tuyến, các hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.
Ngay sau khi Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW được ban hành, Trung tâm chỉ huy đã được thành lập tại Văn phòng Trung ương Đảng và Đại học Quốc gia Hà Nội. Việc ứng dụng dữ liệu trong điều hành góp phần nâng cao hiệu quả và minh bạch trong hoạt động công vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số - phát triển kinh tế - xã hội
Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW là bước đi chiến lược, thúc đẩy cả hệ thống chính trị hành động thống nhất, hướng tới mục tiêu “chính quyền số, kinh tế số, xã hội số”. Việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ vào thời điểm chính quyền hai cấp chính thức vận hành - là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm chuyển đổi số toàn diện.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nâng cao chất lượng dịch vụ công, mở rộng vùng phủ sóng 5G, đảm bảo người dân vùng sâu vùng xa được thụ hưởng đầy đủ lợi ích từ chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức và đẩy mạnh ứng dụng AI, Big Data trong phân tích, dự báo phục vụ điều hành.
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển đất nước, hướng tới xây dựng nền tảng số quốc gia vững mạnh và hiện đại.
Lê Hà - Văn phòng Cục
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »