Ngày 22/9/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2008/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Nghị định này gồm 5 Chương, 21 điều, quy định về xử phạt hành chính đối với 4 nhóm hành vi vi phạm sau:
- Hành vi đầu cơ hàng hóa; găm hàng; tăng giá quá mức; đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ;
- Hành vi vi phạm về kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ;
- Hành vi xuất lậu hoặc vận chuyển trái phép thóc, gạo, xăng, dầu, lâm sản, khoáng sản qua biên giới;
- Hành vi gian lận về đo lường, đóng gói hàng hóa và chất lượng hàng hoá, dịch vụ.
Mức phạt hành chính đối với từng loại hành vi này được áp dụng như sau:
1. Hành vi đầu cơ hàng hóa: Tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 3 triệu đến 35 triệu đồng. Mức phạt sẽ được áp dụng gấp hai lần nếu thuộc trường hợp: Hành vi vi phạm là của doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam; hành vi vi phạm là của cá nhân, doanh nghiệp, chi nhánh không đăng ký kinh doanh hoặc được phép kinh doanh loại hàng hóa mua vét, mua gom.
2. Hành vi găm hàng: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu thực hiện các hành vi như: Cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn; cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; có mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng…. Mức phạt tiền sẽ được áp dụng gấp hai lần nếu thuộc các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm là của người sản xuất, chế biến, đóng gói, lắp ráp, sang chiết, nạp, nhập khẩu hàng hóa; hành vi vi phạm là của doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam; hành vi vi phạm là của siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại khác.
3. Hành vi tăng giá quá mức: Phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi tăng giá bán hàng, phí dịch vụ từ 20% trở lên so với mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thu lợi bất chính nếu hàng hoá, dịch vụ có giá trị đến 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng
Mức phạt tiền được áp dụng gấp hai lần nếu thuộc các trường hợp sau đây: Hành vi vi phạm là của người sản xuất, chế biến, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng hóa; hành vi vi phạm là của doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam; Hành vi vi phạm là của siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại khác.
4. Hành vi đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường; hoặc thực hiện các hành vi này trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường. Mức phạt tiền sẽ được áp dụng gấp hai lần đối với trường hợp cố ý bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật để vụ lợi.
5. Hành vi vi phạm về kê khai giá, đăng ký giá hàng hóa, dịch vụ: Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không kê khai, đăng ký giá hàng hoá, dịch vụ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
6. Hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Không niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ tại cửa hàng, quầy hàng, điểm giao dịch mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; bán hàng, thu tiền phí dịch vụ cao hơn giá niêm yết; hành vi vi phạm là của siêu thị, trung tâm thương mại hoặc cơ sở phân phối hàng hóa hiện đại khác; không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ hoặc giá mua, bán vàng tại địa điểm giao dịch kinh doanh…
7. Hành vi xuất lậu xăng, dầu qua biên giới: Phạt tiền từ 5 triệu đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây nếu giá trị xăng, dầu đến dưới 100 triệu đồng: Vận chuyển xăng, dầu trái phép vào khu vực biên giới; vận chuyển, buôn bán, trao đổi trái phép xăng, dầu qua biên giới; buôn bán, trao đổi xăng, dầu trên biển với tầu thuyền, phương tiện đánh bắt thuỷ sản của nước ngoài. Phạt tiền 70 triệu đồng đối với hành vi vi phạm (nêu trên) nếu giá trị xăng, dầu từ 100 triệu đồng trở lên đối với trường hợp cơ quan tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự.
8 Hành vi xuất lậu thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản qua biên giới: Phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây nếu hàng hoá có giá trị đến 5 triệu đồng đến dưới 100 triệu: Vận chuyển, buôn bán, trao đổi trái phép thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản qua biên giới; buôn bán, trao đổi trái phép thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản trên sông, trên biển với các phương tiện vận tải nước ngoài. Phạt tiền 35 triệu đồng đối với hành vi vi phạm (nêu trên) nếu hàng hoá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mức phạt tiền được áp dụng gấp hai lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lâm sản là gỗ tròn, gỗ xẻ tự nhiên, động vật, thực vật hoang dã quý hiếm, giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm thuộc danh mục cấm kinh doanh hoặc cấm xuất khẩu; khoáng sản đặc biệt và độc hại.
9. Hành vi gian lận về đo lường, đóng gói hàng hóa và chất lượng hàng hoá, dịch vụ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20 nghìn đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho khách hàng nếu hàng hoá có giá trị đến trên 100 triệu đồng: Gian lận trong cân, đong, đo, đếm, đóng gói hàng hóa; gian lận chất lượng hàng hoá so với công bố chất lượng hoặc ghi trên nhãn hàng hoá.
Mức phạt tiền được áp dụng gấp gấp hai lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hành vi gian lận là của người sản xuất, chế biến, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói hàng hoá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
10. Đối với các hành vi vi phạm về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên và vi phạm về nhãn hàng hóa
- Đối với các hành vi vi phạm về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên và hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì phái chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc xử phạt hành chính được thực hiện với mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định đối với hành vi vi phạm hành chính, kèm theo các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 18, Điều 22 và Điều 24 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
- Đối với các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa có giá trị từ trên 1.00.000.000 đồng trở lên thì việc xử phạt hành chính được thực hiện với mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định đối với hành vi vi phạm hành chính, kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 23 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tuỳ từng trường hợp vi phạm được quy định tại Nghị định này.
Chí Linh