Kể từ ngày 1/1/2009 tăng Lương tối thiểu trong khối DN Nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

14/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo đó, mức lương tối thiểu cao nhất đối với lao động tại doanh nghiệp trong nước là 800.000 đồng một tháng; đối với lao động ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.200.000 đồng.

Hôm qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã công bố Nghị định của Thủ tướng quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc cho doanh nghiệp trong nước và mức lương tối thiểu vùng của lao động làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Cụ thể, thay vì chia làm 3 vùng, năm nay lương tối thiểu sẽ chia làm 4 vùng, sát với mức tiền công, tiền lương và mức sống tại mỗi vùng. Mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp trong nước sẽ lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng một tháng. Mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp FDI lần lượt là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng một tháng. 

Hiện nay, mức lương tối thiểu của lao động ở doanh nghiệp trong nước lần lượt là: là 620.000; 580.000 và 540.000 đồng một tháng; của lao động ở doanh nghiệp FDI lần lượt là: 1.000.000; 900.000 và 800.000 đồng một tháng. 

Như vậy, so với hiện hành, lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp trong nước sẽ tăng trung bình khoảng 25%; lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp FDI tăng ít hơn, khoảng 20%. Mức tăng cao nhất là 200.000 đồng, thấp nhất là 110.000 đồng một tháng. So với tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay, mức tăng này không phải là cao.

 Cả nước hiện có 9,5 triệu người làm việc tại doanh nghiệp, trong đó khối FDI là 1,5 triệu. Tuy nhiên, không phải tất cả số người này đều được tăng lương, mà chỉ một số ít người lương thấp mới được điều chỉnh. Theo khảo sát, trong bối cảnh lạm phát, hầu hết doanh nghiệp đã tăng lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu mới ban hành.

Theo Nghị định này, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu DN theo 4 vùng như sau:

Vùng I, ngoài TP.HCM và Hà Nội (cũ), lần này được bổ sung thêm địa bàn thành phố Hà Đông. Đây chính là vùng có mức tăng cao nhất: Đối với DN trong nước là 800.000 đồng/tháng và DN FDI là 1.200.000 đồng/tháng.
Vùng II, bổ sung thêm TP. Đà Nẵng, một số huyện mới thuộc Hà Nội như: Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và thành phố Sơn Tây; ngoài ra là các huyện thuộc TP.HCM; các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ (Cần Thơ); TP. Hạ Long (Quảng Ninh); thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương)… Mức tăng ở vùng II là 740.000 đồng/tháng (đối với DN trong nước) và 1.080.000 đồng (đối với DN FDI).

Vùng III, ngoài các huyện còn lại thuộc TP. Hà Nội còn là TP. Bắc Ninh, thị trấn Từ Sơn, các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh); TP. Bắc Giang cùng các huyện Việt Yên, Yên Dũng; TP. Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng); TP. Nha Trang, thị xã Cam Ranh (Khánh Hoà); huyện Tràng Bảng (Tây Ninh)… Mức tăng đối với vùng III lần lượt là 690.000 đồng/tháng (đối với DN trong nước) và đối với DN FDI là 950.000 đồng/tháng.

Vùng IV, gồm các địa bàn còn lại có mức tăng đối với DN trong nước là 650.000 đồng/tháng và đối với DN FDI là 920.000 đồng/tháng./.

Lê Anh (Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp)

Xem thêm »