Những thay đổi về các chính sách pháp luật bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2009

02/01/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Bắt đầu từ ngày 1/1/2009, nhiều chính sách pháp luật có tác động và tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống của toàn xã hội sẽ có hiệu lực thi hành: việc thực hiện Luật Thuế Thu nhập cá nhân; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; mở rộng đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng VAT; chính sách bảo hiểm thất nghiệp; những hạn chế đối với các nhà phân phối, bán lẻ 100% vốn nước ngoài sẽ được dỡ bỏ; chính sách miễn thuỷ lợi phí cho nông dân; giảm cước điện thoại cố định; Người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam; Lương trong các doanh nghiệp tăng thêm...

 Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội khi luật thuế này có hiệu lực thi hành, Luật Thuế Thu nhập cá nhân quy định các loại thu nhập sẽ bị chịu thuế. Trong đó có thu nhập tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, lợi tức cổ phần, chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, quà tặng, tiền thưởng và bản quyền tác phẩm có giá trị vượt trên 10 triệu đồng.

Điểm nhấn quan trọng nhất của Luật Thuế Thu nhập cá nhân là các vấn đề liên quan tới khoản tiền giảm trừ cho chính đối tượng nộp thuế với mức tối đa 4 triệu đồng một tháng (tương đương với 48 triệu đồng một năm) và 1,6 triệu đồng một tháng cho mỗi cá nhân phụ thuộc như cha mẹ già, người tàn tật, vợ, con nhỏ dưới 18 tuổi... Việc xác định người phụ thuộc chủ yếu dựa trên các giấy tờ, hồ sơ đã có của người phụ thuộc như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận về tình trạng sức khoẻ, khả năng lao động... Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tính đến việc cấp mã số thuế cho tất cả cá nhân là người Việt Nam, kể cả trẻ em mới chào đời. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế.

Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm về mức 25%

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định, các khoản thu nhập chịu thuế gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hoá dịch vụ, chuyển nhượng vốn, bất động sản, cho thuê tài sản… Thuế suất chung áp dụng cho các doanh nghiệp là 25% thay cho mức cũ 28%. Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí có thuế suất từ 32% đến 50%, tuỳ vào từng dự án.

Đối với các khoản ưu đãi, luật thuế áp dụng mức cao nhất là 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Hằng năm, tất cả các doanh nghiệp được trích 10% thu nhập trước khi tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Mở rộng đối tượng chịu Thuế giá trị gia tăng - VAT

Thuế VAT quy định chi tiết từng mức thuế đối với từng đối tượng nằm trong diện nộp thuế, gồm hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam... Trong đó, mức 0% được áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hoá, trừ các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài, dịch vụ bảo hiểm…

Thuế suất 5% áp dụng đối với các loại hàng hoá dịch vụ như nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt; phân bón quặng để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm, thực phẩm tươi sống, thiết bị dụng cụ y tế, máy móc chuyên dung phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… Mức 10% được áp dụng cho các loại hàng hoá dịch vụ còn lại.

Luật quản lý ,sử dụng tài sản nhà nước

Một trong những hành vi bị cấm trong việc quản lý ,sử dụng tài sản nhà nước là sử dụng không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng lãng phí hoặc không sử dụng gây lãng phí; và sử dụng tài sản nhà nước để kinh doanh trái pháp luật. Luật này còn quy định cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác...

Pháp lệnh dân số sửa đổi

Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh, sinh 1 hoặc 2 con phù hợp với lứa tuổi, sức khoẻ, điều kiện thu nhập. Chính phủ quy định cụ thể những trường hợp được sinh trên 2 con. So với điều 10 của Pháp lệnh hiện hành, nội dung “sinh 1 hoặc 2 con” đã được cụ thể hoá.

Giảm cước điện thoại cố định

Từ 1/1/2009, cước điện thoại cố định gọi nội tỉnh và nội hạt sẽ thống nhất mức chung 200 đồng một phút thay cho các mức cũ 120 đồng, 400 đồng và 700 đồng. Cước thuê bao cũng áp dụng mức mới 20.000 đồng một tháng thay cho mức cũ 27.000 đồng.

Theo cách tính mới này, cước các cuộc gọi trong phạm vi nội hạt (các thuê bao trong cùng một quận huyện) sẽ tăng khoảng 66%, tuy nhiên, cước liên lạc nội tỉnh lại giảm từ 50% đến 71,4%.

Các nhà bán lẻ, doanh nghiệp 100% vốn ngoại được vào Việt Nam  

Theo những cam kết WTO, từ ngày 1/1/2009, các hạn chế đối với các công ty phân phối, doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, trên cơ sở những hàng rào kỹ thuật được phép áp dụng, Việt Nam chưa mở cửa thị trường bán lẻ ngay lập tức các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, dược phẩm, sách báo. Các mặt hàng khác như sắt thép, xi măng, phân bón sẽ lùi thời điểm mở cửa đến 3 năm sau. Trong bối cảnh hệ thống phân phối Việt Nam còn nhiều hạn chế, sự xuất hiện của các đối thủ đến từ nước ngoài sẽ giúp thị trường phong phú hơn, chuyên nghiệp hơn và người tiêu dùng có thêm nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng với các nhà bán lẻ Việt Nam, sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn nếu doanh nghiệp Việt Nam  không biết phát huy những lợi thế sẵn có thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Lần đầu tiên thí điểm việc áp dụng quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

Nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tối đa 50 năm. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có ít nhất 10.000 người nằm trong diện đủ điều kiện mua nhà trong tổng số khoảng 80.000 người nước ngoài làm ăn và sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2008, người nước ngoài thuê khoảng 1 triệu m2 nhà ở tại Việt Nam để sinh sống. Trong đó TP HCM chiếm quá nửa với diện tích 660.000 m2 (tương đương 4.000 căn hộ) tập trung tại quận 1, 3, 5, 7 (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng). Còn Hà Nội, có khoảng 1.300 căn hộ đang được người nước ngoài thuê với diện tích 220.000 m2, chủ yếu tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình.

Lương tối thiểu doanh nghiệp tăng  

Theo Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, mức lương tối thiểu vùng được thực hiện theo Nghị định số 110/2008/NĐ-CP và Nghị định số 111/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp trong nước đó là các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

Doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam của Chính phủ.

Theo đó, các mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau:

Vùng I: Đối với doanh nghiệp trong nước là 800.000 đồng/tháng; Đối với doanh nghiệp FDI là 1.200.000 đồng/tháng.

Vùng II: Đối với doanh nghiệp trong nước là 740.000 đồng/tháng; Đối với doanh nghiệp FDI là 1.080.000 đồng/tháng.

Vùng III: Đối với doanh nghiệp trong nước là 690.000 đồng/tháng; Đối với doanh nghiệp FDI là 950.000 đồng/tháng.

Vùng IV: Đối với doanh nghiệp trong nước là 650.000 đồng/tháng; Đối với doanh nghiệp FDI là 920.000 đồng/tháng

Những người có mức lương cao hơn thì doanh nghiệp và lao động thoả thuận để điều chỉnh cho phù hợp.

Áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 12/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan lao động để đăng ký. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người thất nghiệp phải đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm.

Người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau: Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Với quy định như vậy, sớm nhất phải đầu năm 2010 lao động thất nghiệp mới được hưởng trợ cấp. Trong năm 2008, chủ yếu là doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí đối với nông dân

Theo đó, Nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí vận hành các công trình thuỷ lợi đầu mối. Phần hệ thống nội đồng, các công trình nhỏ sẽ phân cấp chuyển giao cho các tổ chức hợp tác dùng nước của nông dân quản lý. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để có thể miễn, giảm thuỷ lợi phí, ngân sách Nhà nước hàng năm phải chi ít nhất khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác này. Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ thêm để các tổ chức của nông dân duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và vận hành hệ thống nội đồng.

Việc miễn, giảm thuỷ lợi phí trước hết là để hỗ trợ bà con nông dân nghèo, đời sống còn khó khăn ở những vùng đã có công trình thuỷ lợi. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình thuỷ lợi mới ở những vùng chưa có nguồn nước. Khi miễn hoàn toàn hay giảm thuỷ lợi phí theo từng vùng hoặc từng đối tượng dùng nước thì điều cốt yếu phải đảm bảo cho các hệ thống công trình thuỷ nông tiếp tục phát huy. Về đối tượng được miễn, giảm thuỷ lợi phí, giảm cho bà con nông dân theo hạn điền và miễn hoàn toàn đối với các vùng kinh tế khó khăn. Các hộ dùng nước có diện tích vượt hạn điền, các đơn vị dùng nước cho công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ vẫn phải trả thuỷ lợi phí theo quy định.

Mặc dù năm 2009 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với không chỉ riêng nền kinh tế Việt Nam, nhưng với những chính sách tích cực của Đảng và Nhà nước ta hy vọng cùng với sự quan tâm của Nhà nước, sự hợp tác, nỗ lực của công dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ đưa Việt Nam vượt qua thử thách để hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới./.

N.C

Xem thêm »