Hội thảo Dự án điện tử - minh bạch các chính sách và thủ tục đầu tư

19/12/2007
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hôm nay, 19/12/2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNCTAD(Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc) tổ chức Hội thảo công bố chính thức dự án Quy định điện tử. Dự án này tiến hành xây dựng một cơ sở dữ liệu về các thủ tục đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư lần đầu và nhà đầu tư hiện hữu, triển khai hoạt động đầu tư tại Việt Nam, từ khi bắt đầu có ý định đầu tư đến khi dự án được đưa vào vận hành.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện UNCTAD, Đại sứ quán các nước, Hiệp hội kinh doanh Thụy Điển, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại Australia…

Dự án Quy định điện tử (E-rugulations) được thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với sự trợ giúp của UNCTAD và có sự đóng góp tài chính từ Chính phủ Luxemburg. Dự án đi vào hoạt động từ quý II năm 2007.

Hệ thống Quy định điện tử Việt nam có thể được truy cập trực tuyến từ tháng 12 năm 2007 bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt tại địa chỉ: http://vietnam.investway.info. Hiện tại, hệ thống chú trọng vào quy trình đầu tư ở Hà Nội và các khu công nghiệp lân cận.

Thông qua dự án này, các nhà đầu tư ban đầu cũng như các nhà đầu tư hiện hữu có thể truy cập miễn phí những thủ tục thành lập doanh nghiệp, thuê đất tại địa phương và ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh trên mạng trực tuyến. Đối với từng mục tiêu đầu tư (ví dụ: thành lập công ty, thuê đất…), hệ thống lại chỉ ra một danh sách hoàn chỉnh các bước mà nhà đầu tư phải trải qua; cơ quan phụ trách cho mỗi bước, với đầy đủ thông tin liên hệ, các mẫu đơn cần điền, tài liệu cần nộp, chi phí, thời gian và cách thức khiếu nại trong trường hợp có bất đồng. Tất cả các mẫu đơn và tài liệu đều có thể tải về từ trang web. Hệ thống quy định điện tử chia nhỏ các thủ tục thành nhiều bước thực thi, mỗi bước bao gồm các nhân tố sau:

1. Tên bước, 2. Các cơ quan nhà nước phụ trách (Bộ/Sở/Phòng), 3. Điều kiện tất yếu (yếu tố/tiêu chuẩn cần để ban hành/từ chối giấy phép theo yêu cầu), 4. Định dạng yêu cầu (mẫu đơn), 5. Khung thời gian, 6. Chi phí cho từng bước (nếu có), 7.  Cầu viện/khiếu  nại có thể xảy ra khi bất đồng, 8. Nền tảng pháp lý cho từng bước (Luật hoặc Nghị định), 9. Cơ quan xác nhận.

Tác động và tầm quan trọng của Dự án tại Việt Nam

 Việc công khai và đơn giản hóa thủ tục kinh doanh là ưu tiên quốc gia tại Việt Nam, điều này đã được khẳng định bởi Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, vấn đề thủ tục còn rắc rối và nhiêu khê đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hệ thống Quy định Điện tử thể hiện một bước quan trọng và thiết thực cho quá trình công khai và đơn giản hóa, góp phần thực hiện công cuộc cải cách hành chính ở nước ta. Tại Châu Á, Việt Nam là nước đầu tiên dùng hệ thống này - vốn đã được thực thi tại Columbia, El Salvador, Guatemala, Nicaragua, Ethiopia, Mali và Liên bang Nga.

Hệ thống Quy định Điện tử Việt Nam chắc chắn sẽ là một công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là nền tảng cho quá trình đơn giản hóa các thủ tục đầu tư. Thông qua một hệ thống hoàn chỉnh các bước, các mẫu đơn, các cơ quan phụ trách tương ứng được liệt kê đầy đủ sẽ giúp dễ dàng giảm thiểu những yếu tố không cần thiết, kết hợp đơn từ và thúc đẩy nhanh toàn bộ quá trình đầu tư.

Hơn nữa, đây còn là cơ sở để khích lệ các dịch vụ trực tuyến cho nhà đầu tư, chẳng hạn đối thoại trực tuyến với các cơ quan chức năng, nộp đơn từ trực tuyến hay theo dõi các yêu cầu.

Dựa vào những thông tin đã thu thập được với Hà Nội, hệ thống có thể dễ dàng được tiếp tục triển khai cho thủ tục đầu tư tại các tỉnh thành khác như thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Nguyễn Thị Thu Phương

Xem thêm »