Gỡ vướng về hộ tịch cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

15/01/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Mới đây, trong 2 ngày (10-11/1)Hội nghị về đăng ký khai sinh (ĐKKS)và quốc tịch cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã diễn ra tại Hà Nội do Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Công an và đại diện của các Sở tư pháp địa phương. Tại hội nghị, đại diện các bên đã đưa ra những thực tế, các giải pháp và kiến nghị để cùng nhau tìm ra phương pháp giải quyết những bất cập trong quá trình thực thi trong thời gian tới.

             Những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong lĩnh vực ĐKKS bao gồm nhóm trẻ được sinh ra ở nước ngoài, nhưng cha mẹ không có đăng ký kết hôn; nhóm  trẻ được sinh ở nước ngoài, có cha là người nước ngoài, cha mẹ  của trẻ có đăng ký kết hôn nhưng cha mẹ đã ly hôn hoặc ly thân, người mẹ đưa con về Việt Nam sinh sống; nhóm trẻ đang sống cùng mẹ trong trại giam do mẹ vi phạm pháp luật. Do đó điều mà các bên quan tâm đó là tình trạng pháp lý (phức tạp) cũng như thiếu cơ sở để các cháu được đăng ký kết hôn.

        Trẻ sẽ được ĐKKS tại nơi cha hoặc mẹ đang tạm trú hoặc làm việc ổn định?

              Đó là một trong những kiến nghị mà đại diện của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong bản báo cáo tham luận sáng qua tại hội nghị. Trên thực tế, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có đông dân cư nhất trong cả nước và là một trong những nơi có lượng hồ sơ hộ tịch và quốc tịch được giải quyết hàng năm là rất lớn. Do đó, thành phố này cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết đăng ký khai sinh và quốc tịch cho con lai của các cặp vợ chồng Hàn Quốc-Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc)-Việt Nam và một số trẻ có cha hoặc mẹ là người Campuchia đang sinh sống và lao động tại đây. Các cặp vợ chồng Hàn Quốc-Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc)-Việt Nam thường định cư tại nước ngoài, nhưng khi các mà mẹ quay trở về Việt Nam muốn xin ĐKKS cho con lại gặp nhiều vấn đề vì trẻ em là con lai lại thuộc trường hợp đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Nhiều người khi muốn làm thủ tục ĐKKS cho con  nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch như không có giấy tờ chứng sinh, khai sinh hoặc có lại cố tình “dấu” đi...

         Theo Sở tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp cha mẹ trẻ định cư ở nước ngoài, gửi con về gia đình nuôi dưỡng cần đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho trẻ do cha mẹ làm việc tại các khu công nghiệp  trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhưng hộ khẩu ở các tỉnh thành khác được hưởng mọi quyền lợi, Bộ Tư pháp cho phép giải quyết ĐKKS theo sự lựa chọn nơi cư trú, thậm chí là tạm trú của cha hoặc mẹ. Để hạn chế việc ĐKKS cho trẻ ở nhiều nơi, thì sau khi ĐKKS, UBND cấp xã nơi đang ký tạm trú gửi thông báo cho UBND cấp xã nơi có hộ khẩu thường trú của đương sự để biết và theo dõi.

Ngượng không dám ĐKKS cho con

              Tình trạng này không phải là hiếm tại tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh có lượng lớn người kết hôn với công dân Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Theo ước tính, có khoảng 5000-6000  trường hợp kết hôn kiểu này tại Vĩnh Long, chiếm một nửa tỷ lệ của cả nước. Và cũng tại đây ngày càng có nhiều trường hợp trẻ sinh ra tại nước ngoài  nhưng do mẹ bị ngược đãi bỏ trốn về Việt Nam sinh sống và ly hôn tại Việt Nam hoặc ly hôn tại nước ngoài ( không mang theo giấy khai sinh hay các giấy tờ chứng minh) về Việt Nam nên không thể ghi chú khai sinh theo điều 55 của NĐ158.  Từ đó dẫn đến thực trạng nhiều trẻ em chưa có khai sinh. Nhiều người cảm thấy mặc cảm, ngượng vì đã bị ngược đãi tại nước ngoài nên  không trình báo với cơ quan nhà nước để xin ĐKKS hay nhập quốc tịch cho con. Một số trường hợp thì nghĩ con còn nhỏ chưa đi học nên chưa cần làm vội...

Cán bộ trại giam tự ĐKKS cho trẻ?

             Theo chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước ta trong những năm qua, nhiều nữ bị can, bị cáo, nữ bị kết án tù khi mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được các cơ quan pháp luật cho tại ngoại, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên trên thực tiễn, một số đối tượng này đã lợi dụng điều này để liên tục được “xếp” vào diện được hoãn, đình chỉ, hay tại ngoại. Và nhiều khi những đứa trẻ sinh ra tại trại giam không dễ dàng được UBND cấp xã ĐKKS cho. Tại nhiều địa phương, UBND cấp xã chỉ ĐKKS vì “tình cảm” chứ không theo “ nguyên tắc”, thậm chí còn “ khuyến khích’ cán bộ trại giam tự đi mà ...ĐKKS lấy cho trẻ. Theo những uỷ ban này, khi bắt phạm nhân đến  cán bộ trại giam không đăng ký với họ  nên họ không quản lý. Các nguyên nhân cuả tình trạng này là do những người cha hoặc mẹ đứa trẻ khi bị giam bị bắt không mấy quan tâm đến việc ĐKKS cho con,  nhiều người không có giấy đăng ký kết hôn hay thậm chí không biết cha đứa trẻ là ai...UBND cấp xã chưa nắm vững được các quy định của pháp luật, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người đến làm thủ tục khai sinh. 

            Chính những vướng mắc trên mà các đại biểu đều đưa ra kiến nghị cần sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ158 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch. Trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các ban ngành có liên quan như Bộ Công An, Bộ Giáo dục đào tạo... để ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết những bất cập nẩy sinh. Đồng thời nâng cao  hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để mọi người hiểu, nhận thức đúng và chấp hành tốt các quy định đó. Sắp tới, việc soạn thảo đề án sửa đổi Luật Quốc tịch sẽ có thể cho phép người có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng 2 quốc tịch.

        Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia Hội nghị cũng bàn luận về các vấn đề như thực tiễn việc ĐKKS cho trẻ  bị buôn bán, là nạn nhân bị buôn bán trở về, việc ĐKKS cho trẻ bị nhiễm chất độc màu da cam, HIV, trẻ mồ côi lang thang cơ nhỡ. Kết thúc hội nghị, Vụ Hành chính Tư pháp nhất trí sẽ nhanh chóng sửa đổi NĐ158 cho phù hợp với tình hình hiện nay, tiến hành rà soát việc thi hành pháp luật về vấn đề ĐKKS cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại một số tỉnh thành, phối hợp với các Bộ có liên quan đến ban hành các Thông tư liên tịch nhằm hướng dẫn thi hành các vấn đề còn vướng mắc/.

Hương Nguyễn

Xem thêm »