Gọi điện thoại lăng mạ vợ, chồng có thể bị tạm giữ

25/02/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 19/2/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2009/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Tuy phải hơn 1 tháng nữa mới có hiệu lực (ngày 5/4/2009) nhưng Nghị định đã giành được nhiều sự quan tâm của xã hội bởi đưa thêm vào danh sách bị tạm giữ kẻ vũ phu trong gia đình và xem thường việc thi hành pháp luật của chính quyền địa phương.

Bị tạm giữ nếu tiến đến gần nạn nhân dưới 30m

            Mục d Khoản 2 Điều 2 Nghị định 19 quy định, việc giữ người theo thủ tục hành chính được áp dụng đối với “người có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình” Như vậy, có thể hiểu những người là “tác giả” của các hành vi bạo lực gia đình đã được Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình liệt kê như: “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục;  cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ...” sẽ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính thời gian tối đa 12 tiếng, chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới là 24 tiếng, 48 tiếng (đối với vùng rừng núi, hải đảo).

            Còn thế nào là hành vi vi phạm quyết định cấp tiếp xúc của UBND cấp xã, thì theo Điều 8 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng chống bạo lực gia đình (vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 4/2/2009 và có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký), biện pháp cấm tiếp xúc nạn nhân bạo lực gia đình là việc không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi “đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m (trừ trường hợp có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân) và sử dụng điện thoại, fax, thư điện tự hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân”. Như vậy, có thể hiểu nếu đã có quyết định cấp tiếp xúc của chính quyền địa phương mà những kẻ vũ phu trong gia đình đến ngoan cố đến gần trong khoảng cách 29m hoặc gọi điện thoại chửi bới, lăng mạ nạn nhân thì chắc chắn sẽ bị tạm giữ. Và, Chủ tịch UBND xã, thị trấn, Trưởng Công an phường, Công an huyện... là người có  thẩm  quyền quyết định việc tạm giữ.

Quyết định cấm tiếp xúc được ban hành khi nào?

            Chủ tịch UBND cấp xã  nơi xảy ra bạo lực gia đình ra quyết định cấm tiếp xúc cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 03 ngày khi có đủ các điều kiện được quy định trong Khoản Điều 9 Nghị định 08 như có đơn yêu cầu của nạn nhân, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình); đã có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bảo lực gia đình; người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc

Nhìn chung, theo đánh giá của nhiều chuyên viên trong lĩnh vực gia đình cũng như dư luận xã hội, các quy định của 2 Nghị định trên là những điều luật rất hợp lý, bám sát thực tế xã hội, và chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục cao khi  được đưa vào thi hành.

Hồng Minh

Xem thêm »