Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 217 nghìn thanh niên, chiếm gần 29% dân số toàn tỉnh. Phần lớn thanh thiếu niên Yên Bái thực hiện tốt các chính sách pháp luật của Nhà nước, có ý chí vươn lên trong học tập, lao động để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, tích cực tham gia các hoạt động đoàn – hội – đội, luôn mong muốn được cống hiến, sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng.
Tuy nhiên hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ở Yên Bái tình hình vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên ngày càng gia tăng không chỉ diễn ra ở nhóm thanh thiếu niên vùng thấp, khu vực đô thị mà còn gia tăng ở thanh thiếu niên vùng nông thôn, vùng cao, thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số. Theo số liệu kê trong 7 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 118 vụ vi phạm pháp luật hình sự. Về tội phạm ma túy: bắt 102 vụ, 134 đối tượng, thu giữ 861,089 gam hêrôin, trong đó số đối tượng phạm pháp là thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ rất cao.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên vùng cao thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, trong công tác tham mưu, chỉ đạo: cần làm tốt vai trò tham mưu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hệ thống tri thức pháp luật trong thanh thiếu niên để từ đó hình thành thói quen thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, của người khác và của toàn xã hội.
Thức hai, về hình thức, nội dung: thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đi sâu vào các nhóm đối tượng thanh thiếu niên, nhất là thanh thiếu niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn và được phiên dịch thành tiếng địa phương. Các hình thức tuyên truyền có tính hấp dẫn, thu hút được đông đảo thanh thiếu niên tham gia là tuyên truyền trực tiếp thông qua các hình ảnh sinh động như triển lãm, chiếu videoclip, tiểu phẩm truyên truyền có nội dung về thực trạng vi phạm pháp luật, nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước… qua đó nhằm tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của thanh thiếu niên, cung cấp kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên về “Sống và làm việc theo pháp luật”.
Hoàng Anh (Sở Tư pháp Yên Bái)