Ngày 07/5/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Quyết định này thay thế Quyết định số 160/TTg ngày 15 tháng 3 năm 1996 của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp và Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 160/TTg. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009. Nội dung cơ bản của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg như sau:
1. Về đối tượng được hưởng
Đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp bao gồm: người giám định tư pháp (Giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc), người giúp việc cho người giám định tư pháp là những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.
2. Mức bồi dưỡng
Căn cứ vào tính chất, đặc thù của từng loại việc giám định, từng lĩnh vực giám định, Quyết định quy định mức bồi dưỡng giám định tư pháp được tính theo ngày làm giám định hoặc theo trường hợp giám định như sau:
a) Tuỳ thuộc vào tính chất phức tạp, độc hại, nguy cơ lây nhiễm bệnh, sự ô nhiễm của từng loại việc giám định mà mức bồi dưỡng tính theo ngày làm giám định có các mức khác nhau: 60.000 đồng, 150.000đồng và 250.000 đồng/người giám định tư pháp/ngày làm giám định. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp tính theo ngày làm giám định được áp dụng đối với việc giám định trong lĩnh vực: pháp y về độc chất, tổ chức học, sinh học, giám định trên hồ sơ; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính-kế toán; văn hoá; xây dựng; môi trường; nông-lâm-ngư nghiệp và các lĩnh vực khác.
Để bảo đảm việc tính ngày làm giám định được thống nhất, Quyết định quy định: ngày làm giám định được tính là 8 tiếng thực tế thực hiện giám định. Trong trường hợp, việc giám định được thực hiện phân rải trong nhiều ngày nhưng mỗi ngày chỉ thực hiện với một thời lượng nhất định thì ngày làm giám định được tính trên tổng số giờ thực tế thực hiện công việc giám định.
Ngoài ra, khi thực hiện giám định ngoài giờ hành chính thì ngoài số tiền bồi dưỡng theo ngày công, người giám định tư pháp, người giúp việc cho người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn được hưởng thêm bồi dưỡng làm thêm giờ hoặc phụ cấp làm đêm theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các quy định có liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm.
Thời gian, khối lượng công việc cần thiết cho việc thực hiện mỗi loại việc giám định được xác định trên cơ sở quy trình thực hiện giám định chuẩn của từng lĩnh vực giám định.
b) Mức bồi dưỡng tính theo trường hợp giám định được áp dụng cho việc giám định trên người sống và trên tử thi trong lĩnh vực pháp y. Cụ thể như sau:
Đối với việc giám định trên người sống thì mức bồi dưỡng từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/lần giám định/nội dung yêu cầu giám định/trường hợp/người giám định tư pháp.
Đối với việc giám định trên tử thi nhưng không mổ tử thi thì mức bồi dưỡng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp.
Đối với việc giám định mổ tử thi mức bồi dưỡng từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/trường hợp/người giám định tư pháp tuỳ thuộc vào thời gian chết, tình trạng phân huỷ tử thi, cách thức bảo quản tử thi.
Việc giám định mổ tử thi là công việc rất phức tạp, nặng nhọc, độc hại và người giám định tư pháp phải chịu sức ép tâm lý và vấn đề tâm linh rất lớn. Vì vậy, mức bồi dưỡng áp dụng cho công việc này được nâng lên cho phù hợp với tính chất, đặc thù loại việc giám định này, đồng thời thể hiện chính sách đãi ngộ đặc biệt của Nhà nước đối với những người làm công việc mổ tử thi, khai quật tử thi.
3. Theo quy định tại Điều 4 của Quyết định thì người giúp việc được hưởng 70% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng.
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi được hưởng 50% mức bồi dưỡng mà người giám định tư pháp được hưởng. Đây là là những quy định mang tính kế thừa của Quyết định số 57/1998/QĐ-TTg.
4. Chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp
a. Nguồn kinh phí
Do có sự khác nhau về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự nên Điều 5 của Quyết định phân định rõ kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong vụ án hình sự và vụ án dân sự (nói chung).
Theo đó, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ án hình sự do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Hàng năm, cơ quan tiến hành tố tụng phải lập dự toán kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp. Việc sử dụng kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp phải được thực hiện đúng mục đích, đúng chế độ và không được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan tiến hành tố tụng.
Đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp được tính trong chi phí giám định do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính.
Để khắc phục tình trạng nhiều cơ quan tiến hành tố tụng không chi trả hoặc không chi trả kịp thời chế độ bồi dưỡng đối với người giám định tư pháp và người giúp việc cho người giám định tư pháp vì không có kinh phí hoặc hết kinh phí, Quyết định đã quy định rõ: ”Cơ quan trưng cầu giám định có trách nhiệm tạm ứng tiền bồi dưỡng giám định khi trưng cầu giám định và phải thanh toán tiền bồi dưỡng giám”.
Ngoài ra, để tránh tình trạng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp không được kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với biến động giá cả nên khoản 2 Điều 6 của Quyết định đã quy định: Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng quá 25% so với thời điểm ban hành Quyết định này thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các mức bồi dưỡng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện nay, các giám định viên tư pháp trong toàn quốc rất mong chờ chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp mới thay thế chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp hiện hành được ban hành từ năm 1996 với những định mức rất thấp, không phù hợp với tình hình thực tế, không bảo đảm được ý nghĩa bù đắp một phần hao tổn sức lực cũng như không có tác dụng động viên, khuyến khích người làm giám định tư pháp. Quyết định này ra đời là một giải pháp quan trọng giải quyết một bước chế độ đãi ngộ để động viên đội ngũ những người làm giám định tư pháp phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng trước những yêu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp.
Nguyễn Thị Thuỵ - Vụ Bổ trợ tư pháp