Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: Làm tuyên truyền là không nóng vội

23/04/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 25/4, Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ Tư pháp tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi xung quanh Hội nghị và về công tác PBGDPL.

* Được Chính phủ giao cho làm cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL TƯ, Bộ Tư pháp đánh giá như thế nào về vai trò của Hội đồng trong việc thực hiện Chương trình PBGDPL từ năm 2003 – 2007?

- Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Với thành phần, thành viên tham gia đông bao gồm nhiều cơ quan ban ngành, có thể nói, Hội đồng TƯ đã làm tròn được nhiệm vụ của mình trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác PBGDPL đối với các Bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước, đưa công tác PBGDPL ngày càng thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật của người dân, nhất là đồng bào ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Đối với những kết quả thu được từ Chương trình 2003 – 2007, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, của địa phương, không thể không kể đến vai trò của Hội đồng TƯ, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực. Thực hiện Chương trình 2003 – 2007 thời gian vừa qua, Hội đồng TƯ đã tiến hành chỉ đạo điểm một số địa phương. Các điểm được chỉ đạo đều gặt hái những thành công, các thành viên Hội đồng được giao nhiệm vụ đều thể hiện trách nhiệm, vai trò rõ ràng. Một số thành viên như UBDT, Hội Nông dân, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành thực hiện quản lý Nhà nước liên quan nhiều đến người dân thì rất quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực trong công tác này. Đối với một số tỉnh khó khăn, Hội đồng TƯ cũng đã có cơ chế hỗ trợ để sự phối hợp đạt hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngoài những thành tựu, Hội đồng phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành TƯ, giữa các thành viên Hội đồng còn một số hạn chế như có thành viên Hội đồng do bận công tác nên không dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, có trường hợp cử người đi thay, có trường hợp không thể đến được… Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để thực hiện Chương trình 2008 – 2012 của Chính phủ, các Bộ, ngành cử người có điều kiện tham gia thường xuyên. Có như vậy, sẽ đóng góp được nhiều cho công tác của Hội đồng, đồng thời đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình mới.

* Thưa ông, đâu là kết quả nổi bật và khó khăn cơ bản của Chương trình 2003 – 2007?

- Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Kết quả thì có nhiều, song rõ nét hơn cả là Chương trình đã đưa các đường lối chủ trương, chính sách, các quy định mới của pháp luật đến với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc miền núi, nghĩa là đưa pháp luật về cơ sở. Sau khi được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ ban hành, các chính sách mới, những quy định pháp luật mới đều được khẩn trương, kịp thời tuyên truyền, phổ biến tới người dân, đồng bào thông qua nhiều hình thức đa dạng như giới thiệu qua các báo cáo viên pháp luật; các tài liệu pháp luật như tờ gấp, tờ rơi, sách giải đáp; tủ sách của xã phường, bổ sung thêm những sách mới, phần lớn là tài liệu đơn giản, dễ hiểu, trực tiếp đi vào các quy định của pháp luật, hướng dẫn người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan của họ; các Câu lạc bộ pháp luật hiện có rất nhiều ở các địa phương… và đặc biệt là, thông qua phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của từng đồng bào dân tộc. Đây là hình thức đưa pháp luật đến với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc, rất có hiệu quả và nhanh chóng, đã thấm vào dân thì thấm rất lâu, rất sâu, dân dễ tự giác thực hiện. Nhưng việc triển khai còn mức độ, chưa thật đúng mong đợi vì chuyển hoá quy định pháp luật thành ca dao hò vè không hề đơn giản. Hội nghị tổng kết hôm nay sẽ tiếp tục bổ sung, rút kinh nghiệm để phát triển hơn hình thức trên.

Một trong những khó khăn đáng kể là tình trạng nhận thức pháp luật giữa các vùng miền còn chênh lệch như giữa đồng bằng với miền núi, giữa đồng bào các dân tộc. Ngoài ra, việc dịch pháp luật ra tiếng dân tộc, đào tạo người hiểu biết pháp luật có thể nói bằng tiếng dân tộc, biên soạn các tài liệu tiếng dân tộc, chương trình thông tin đại chúng bằng tiếng dân tộc đã được Chương trình 2003 – 2007 triển khai song chưa đáp ứng hết các thứ tiếng dân tộc. Bộ Tư pháp cho rằng, trong Chương trình 2008 – 2012, vấn đề này cần được tăng cường đầu tư hơn.

* Vậy, đâu là trọng tâm của Chương trình 2008 – 2012?

- Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Phát huy thành quả của Chương trình 2003 – 2007, Chương trình 2008 – 2012 vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền phổ biến rộng rãi pháp luật đến với người dân, hướng về cơ sở. Đồng thời, tập trung ưu tiên một số đối tượng như cán bộ công chức, đồng bào các dân tộc, nông dân, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam (các nhà đầu tư, khách du lịch, các nhà hoạt động xã hội, các chuyên gia công tác ở Việt Nam), trong đó, quan trọng nhất là cập nhật các văn bản pháp luật mới. Với tư cách cơ quan thường trực của Hội đồng TƯ, Bộ Tư pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường PBGDPL đối với nông dân. Không chỉ bởi nông dân chiếm đa số trong dân cư mà còn vì đã làm tuyên truyền là phải kiên trì, mới từng bước nâng cao được nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, chứ muốn làm mà có kết quả ngay thì khó đấy.

* Là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Chương trình PBGDPL của Chính phủ, Bộ Tư pháp đặt ra mục tiêu gì, thưa ông?

- Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: Hội nghị tổng kết công tác 2003 – 2007, triển khai Chương trình 2008 – 2012 là dịp nhìn nhận lại việc thực hiện Chương trình 2003 - 2007, phân tích, đánh giá kết quả, những hạn chế, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân, đề xuất cách giải quyết nhằm triển khai 2008 – 2012 hiệu quả hơn. Đây cũng là dịp để các cơ quan, ban, ngành TƯ và địa phương, những người làm công tác PBGDPL gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Và quan trọng nhất là bàn bạc, tìm ra được biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhất đẩy mạnh Chương trình 2008 – 2012 thực sự có chất lượng, hiệu quả, thực hiện được các mục tiêu Chương trình đề ra, góp phần nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật trong nhân dân.

* Xin cảm ơn ông!

Cẩm Vân

Xem thêm »