Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới

16/06/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm về bình đẳng giới, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng đến mức phạt tối đa lên đến 40.000.000 đồng.

Nghị định quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới và mức phạt tương ứng trong từng lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ; văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế và gia đình.

Ngoài các hình thức phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần; Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hoặc tiêu hủy các vật phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới… Người có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Đặc biệt, người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt trục xuất.

Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn này thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định. Riêng với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi có dấu hiệu về bình đẳng giới thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án gửi quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi cho người có thẩm quyền xử phạt. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 3 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm…

Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra chuyên ngành khác, Chủ tịch UBND các cấp, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng là những cơ quan có thẩm quyền xử phạt VPHC về bình đẳng giới.

Nghị định cũng phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, quy định về các thủ tục áp dụng hình thức xử phạt hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Quy định rõ việc chấp hành quyết định xử phạt, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2009.

Đức Trung

Xem thêm »