Dự án Luật đăng ký bất động sản: Đăng ký để công khai tình trạng pháp lý của bất động sản

02/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chiều qua 29/5/2008 Hội đồng khoa học pháp lý do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm chủ tịch, có sự tham dự của các Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng, đã họp cho ý kiến vào Dự thảo Luật đăng ký bất động sản.

Đăng ký bất động sản có giá trị pháp lý như thế nào? Đó là vấn đề mà đại đa số các thành viên Hội đồng quan tâm. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng, bản chất của việc đăng ký không phải là xác lập quyền sở hữu mà chỉ là để cung cấp thông tin, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán với người thứ ba. Điều này có nghĩa là, người dân dù có đi đăng ký hay không thì họ vẫn có quyền đối với tài sản. Và việc đăng ký chỉ có ý nghĩa khi bất động sản được đem ra giao dịch. Đồng ý với ý kiến này, TS Phan Chí Hiếu lưu ý, dự thảo Luật Đăng ký bất động sản quy định về các trường hợp phải đăng ký nhưng lại không quy định về hậu quả pháp lý nếu người dân không thực hiện đăng ký. Cũng về đối tượng đăng ký, ông Nguyễn Ngọc Khang- Giám đốc Văn phòng đăng ký nhà đất Hà Nội nêu quan điểm: việc đăng ký bất động sản nên quy định là bắt buộc vì hiện tượng lấn chiếm đất công hiện nay đang diễn ra rất phổ biến. Ông Khang dẫn chứng: trung bình mỗi phường ở Hà Nội hiện nay có một vạn thửa đất, nhiều thửa hình thành do lấn chiếm đất công mà có. Nếu như không bắt buộc người dân phải đi đăng ký thì cơ quan nhà nước không thể kiểm soát nổi. Ông Khang đề nghị: dự thảo luật phải nêu rõ quyền bảo hộ của nhà nước đối với bất động sản, phải làm cho dân hiểu đăng ký bất động sản có ý nghĩa quan trọng như thế nào thì lúc đó người dân mới tự nguyện đi đăng ký.

Về  cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi. Dự thảo Luật mới nhất có hai phương án: một là Văn phòng đăng ký bất động sản sẽ có thẩm quyền cấp, cấp đổi, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thứ hai là giữ nguyên như hiện tại (do UBND cấp có thẩm quyền cấp). Theo TS. Nguyễn Thuý Hiền - Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thì theo phương án một sẽ có thuận lợi là xác định rõ trách nhiệm của cơ quan đăng ký, tránh tình trạng hồ sơ phải chờ đợi quá lâu do Chủ tịch UBND huyện, TP bận nhiều việc. Nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm này vì mấu chốt vấn đề không phải là giấy chứng nhận do ai cấp mà làm thế nào để thuận lợi nhất cho người dân. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến còn băn khoăn và cho rằng nên để UBND cấp giấy chứng nhận như hiện tại để tránh xáo trộn và để tách bạch giữa thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu và giấy chứng nhận đăng ký bất động sản.

Cũng theo Dự thảo Luật đăng ký bất động sản, sẽ không còn tồn tại nhiều loại giấy tờ như trước đây mà chỉ quy định cấp một loại giấy chứng nhận là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trong đó nêu rõ hiện trạng bất động sản, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và những biến động về bất động sản sau khi cấp giấy chứng nhận. Giấy này khắc phục được các nhược điểm hiện nay là tồn tại quá nhiều loại giấy chứng nhận nhưng lại có nội dung tách biệt với nhau và tạo điều kiện cho người dân trong quá trình thực hiện quyền sử dụng, sở hữu bất động sản của mình. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, đối với các trường hợp đã được cấp các loại giấy chứng nhận trước khi Luật đăng ký bất động sản có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý mà không cần phải cấp đổi lại.

Thu Hằng

Xem thêm »