Luật Khiếu nại, tố cáo: Thiếu chế tài xử lý những vi phạm về thời hạn giải quyết

16/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Rất nhiều văn bản chính sách được ban hành đều có quy định "giải quyết theo các quy định của Luật KNTC". Tuy nhiên, việc không tuân thủ thời hạn giải quyết KNTC của người có thẩm quyền giải quyết đã khiến cho không ít vụ việc khiếu nại phải kéo dài. Trong khi, Luật năm 2005 (sửa đổi, bổ sung Luật các năm 1998 và 2004) lại chưa hề đả động đến vấn đề xử lý những vi phạm kiểu này.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị yêu cầu về việc lập lại kỷ cương, kiên quyết đẩy mạnh cải cách hành chính nhưng các vụ khiếu kiện vẫn kéo dài. Chẳng hạn như, 5 công dân Bình Thuận đã phải KNTC nhiều lần từ năm 2001 đến nay và có khả năng lại thêm nhiều năm nữa mặc dù Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc từ ngày 23/6/2006... Hay trường hợp 7 cá nhân ở quận Ba Đình, Hà Nội đã nộp bản kê khai nhà và đất từ năm 2001 và đã phải kêu cứu nhiều lần vào năm 2003. Sau đó vì tuân thủ pháp luật, cả 7 chủ sử dụng đất này đã giao đất cho Ban giải phóng mặt bằng mặc dù chưa hề nhận được một lời giải thích có cơ sở pháp luật đối với các bản khiếu nại. Hàng loạt đơn khiếu nại trong các năm 2004, 2005, 2006 cũng không hề có phúc đáp. Mãi tới tháng 12/2006 khi người dân phải nộp đơn tới các cơ quan được quy định là có trách nhiệm giám sát hoặc lãnh đạo như Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Thành uỷ, thậm chí gửi đơn lên tận Quốc hội, Trung ương Đảng thì nguyện vọng của dân mới bắt đầu được để ý tới. Tuy nhiên, sau khi có thông báo của Văn phòng UBND quận Ba Đình tới người dân mời đến UBND phường nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, cũng phải mất trên 60 ngày, người đầu tiên trong số 7 chủ sử dụng đất mới nhận được tờ quyết định giải quyết khiếu nại. Những người còn lại mất thêm hàng chục ngày nữa mới nhận được một bản tương tự.

Điều 36 của Luật KNTC năm 1998 cũng như Điều 36 Luật KNTC 2005 đã quy định "Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày" mà ở ví dụ trên mất tới hơn 1.000 ngày, các văn bản đã ký tên đóng dấu mới được giao cho dân. Như vậy, khiếm khuyết của Luật KNTC hiện hành là Luật không quy định rõ nếu các cấp có thẩm quyền vi phạm Điều 36 sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, bồi thường ra sao? Ngoài ra, Điều 34 Luật KNTC 1998 hay Điều 41 Luật KNTC năm 2005 đều quy định "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình…, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do". Và Luật tiếp tục không đề cập tới việc xử lý trường hợp các cấp chính quyền không thèm quan tâm đến thời hạn 10 ngày đã quy định.

Một lỗ hổng khác, tuy nhỏ, song không kém phần quan trọng là các giấy tờ nhận đơn của các cơ quan hành chính Nhà nước chưa được đóng dấu treo ở phần lớn các cơ quan. Có thể nói, nếu không có dấu treo thì giấy tờ đó không có giá trị pháp lý và sẽ làm cho vấn đề thời hiệu trong Luật KNTC trở nên vô nghĩa. Bên cạnh đó, theo chỉ thị và quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, trong các giấy tờ này cũng chưa ghi rõ ngày phải được giải quyết, người giải quyết và số điện thoại, e-mail của người trực tiếp giải quyết nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.

Được biết, Luật KNTC nằm trong chương trình dự bị xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khoá XII, hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc tách thành 2 luật riêng biệt. Hy vọng, với dự kiến đó, những khiếm khuyết vừa nêu sẽ được khắc phục.

Hoàng Thư

Xem thêm »