Qua quá trình triển khai thực hiện các quy định về báo cáo viên pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Thông tư số 21/2013/TT-BTP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tư pháp quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 21/2013/TT-BTP), phát sinh một số vướng mắc cần được giải thích, làm rõ.
Báo cáo viên pháp luật có bao gồm cán bộ, công chức, viên chức cơ quan thuộc tỉnh
Khoản 1 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định “Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 21/2013/TT-BTP có quy định “Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương … xem xét, lập hồ sơ gửi Sở Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật”.
Trong đó, “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh” theo quy định tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trước đó là Nghị định số 13/2008/NĐ-CP), gồm có sở và cơ quan ngang sở.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thuộc tỉnh như: Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu kinh tế,… thì có được làm Báo cáo viên pháp luật không?
Thiết nghĩ, tiêu chuẩn để trở thành báo cáo viên pháp luật như quy định hiện hành là rất chặt chẽ nên việc xây dựng đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Do đó, việc áp dụng Thông tư số 21/2013/TT-BTP cần phát huy theo tinh thần rộng mở của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân nếu có đủ điều và được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận là báo cáo viên pháp luật.
Có đồng nhất “Công tác trong lĩnh vực pháp luật” và “công tác liên quan đến pháp luật”?
Một trong những tiêu chuẩn để được công nhận báo cáo viên pháp luật là phải bảo đảm yêu cầu về trình độ chuyên môn pháp luật. Điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định điều kiện này như sau: “Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm”.
Tiêu chuẩn trên là phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, cần làm rõ phạm vi của “công tác trong lĩnh vực pháp luật” và “công tác liên quan đến pháp luật”.
Hiện nay, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Trong thực thi công vụ thì càng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, về cơ bản, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều thuộc trường hợp có “công tác liên quan đến pháp luật”, ít nhất là liên quan đến pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành do mình phụ trách. Vì vậy, nội hàm của những tiêu chuẩn này cần làm rõ để thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Trường hợp không phải báo cáo viên pháp luật nhưng được mời thực hiện phổ biến pháp luật
Điều 37 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có quy định về tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Tuy nhiên, trường hợp những người không phải báo cáo viên pháp luật nhưng được mời phổ biến pháp luật tại các cơ quan, tổ chức, địa phương thì pháp luật có cho phép không và việc quản lý hoạt động đối với những trường hợp này như thế nào thì cũng cần được quy định cụ thể.
Trên thực tế, những người có uy tín, kiến thức, am hiểu pháp luật nhưng không phải là báo cáo viên pháp luật tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật khá nhiều. Để phát huy nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì đội ngũ này cần được khuyến khích tham gia phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế để Nhà nước quản lý, bảo đảm họ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.